Việt Nam đề cao vai trò đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin trong các tiến trình kiến tạo hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, ngày 2/11, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tham dự và phát biểu tại Phiên cấp cao về chủ đề“Định hình trạng thái bình thường mới: Tính chính danh, An ninh có trách nhiệm và Quan hệ đối tác trong Hòa bình 2.0”.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva (người thứ hai từ phải sang) phát biểu tại Phiên cấp cao của Tuần lễ Hòa bình Geneva, ngày 2/11/2023. Ảnh: PV TTXVN tại Geneva
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva (người thứ hai từ phải sang) phát biểu tại Phiên cấp cao của Tuần lễ Hòa bình Geneva, ngày 2/11/2023. Ảnh: PV TTXVN tại Geneva

Đây là phiên thảo luận trong khuôn khổ Tuần lễ hòa bình Geneva (30/10-3/11/2023) được tổ chức bởi Diễn đàn kiến tạo hòa bình Geneva phối hợp với nhiều đối tác, trong đó có Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ và Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, và các tổ chức nghiên cứu và kiến tạo hòa bình như Trung tâm Quản lý lĩnh vực An ninh Geneva (DCAF) và tổ chức Các Nguyên tắc vì Hòa bình (P4P) của Thụy Sỹ.

Phiên thảo luận diễn ra với phát biểu dẫn đề và điều hành của bà Hiba Qasas, Giám đốc Điều hành của tổ chức Các Nguyên tắc vì Hòa bình và Đại sứ Nathalie Chuard, Giám đốc Điều hành của DCAF, cùng với các diễn giả gồm Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, ông Robert Jenkins - Trợ lý Điều hành, Cục Phòng ngừa và Ổn định Xung đột, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tiến sĩ Khadidja Osoble Ali - Đồng sáng lập Ngân hàng Cộng đồng Idman và Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Somalia, và ông Yves Daccord - Đồng sáng lập ViệnEdgelands (nghiên cứu về số hóa và an ninh đô thị) và nguyên Tổng Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), cùng với các ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự.

Phiên thảo luận trao đổi về cách thức thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững hơn cũng như cách tiếp cận mới để kiến tạo hòa bình, đặc biệt là trong bối cảnh hòa bình và an ninh toàn cầu đang gặp những thách thức lớn hiện nay.

Các ý kiến của các diễn giả và đại biểu tham dự cho rằng đối thoại, xây dựng lòng tin giữa các bên, nâng cao tính chính danh và các biện pháp an ninh có trách nhiệm có thể mang lại giải pháp bền vững hơn thay thế cho các phương pháp ổn định truyền thống.

Các diễn giả và đồng chủ trì cũng chia sẻ quan điểm lạc quan về tương lai, niềm tin và hy vọng về triển vọng về các giải pháp kiến tạo hòa bình trước những thách thức toàn cầu hiện nay.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu liên kết đan xen phức tạp ngày nay, vai trò của ngoại giao, đối thoại, xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương, trong đó vai trò các tổ chức khu vực như ASEAN bổ sung cho các nỗ lực đa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết những thách thức ngày nay một cách riêng biệt.

Về ASEAN, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực, tạo diễn đàn cho các nước và các bên trong và ngoài khu vực thảo luận và hợp tác vì các mục tiêu chung về hòa bình, an ninh và phát triển.

Các tổ chức khu vực như ASEAN cùng với Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết xung đột, kiến tạo hòa bình hướng tớiphát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chia sẻ về nỗ lực đóng góp của Việt Nam vì hòa bình, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định Việt Nam coi trọng ngoại giao, đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong việc quản lý căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới.

Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các diễn đàn và hoạt động của ASEAN, các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột cũng như kiến tạo và duy trì hòa bình hậu xung đột.

Việt Nam cũng có kinh nghiệm tốt trong việc hòa giải căng thẳng quốc tế, thể hiện qua nỗ lực đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 và đóng góp trong tiến trình khôi phục hòa bình ở Myanmar.

Để đảm bảo hòa bình, an ninh lâu dài, phát triển và thịnh vượng, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh rằng chúng ta phải cùng nhau hợp tác giải quyết các thách thức, tận dụng sức mạnh của ngoại giao và hợp tác đa phương, xây dựng lòng tin, kiến tạo hòa bình và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và ASEAN, Việt Nam nhất quán đề cao chủ nghĩa đa phương, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm các nguyên tắc, mục tiêu cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN trong thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên thế giới và khu vực, nhất là trong việc giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và sử dụng bền vững Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tuần lễ Hòa bình Geneva là diễn đàn thường niên tạo không gian cho các tổ chức ở Geneva và các đối tác quốc tế cùng nhau chia sẻ kiến thức, chuyên môn và thực tiễn về nhiều chủ đề đa dạng liên quan đến thúc đẩy hòa bình trong các bối cảnh và lĩnh vực khác nhau.

Tuần lễ Hòa bình Geneva 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập diễn đàn này. Chủ đề bao trùm của dịp kỷ niệm 10 năm Tuần lễ Hòa bình Geneva là “Xây dựng niềm tin, Xây dựng hòa bình: Chương trình nghị sự cho tương lai”. Thông điệp mà Tuần lễ Hòa bình Geneva 2023 nhấn mạnh đó là Hòa bình bền vững không chỉ là mục tiêu cao cả mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển, hợp tác và đổi mới vì lợi ích lớn hơn của nhân loại.

Đọc thêm