Đại tá Hoàng Anh Tuyên – Phó Chánh Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an – cho biết, tham dự Hội nghị lần này có 19 đoàn đại biểu là đại diện các quan chức cấp cao của các cơ quan phòng chống ma túy của 10 quốc gia thành viên ASEAN; 5 nước đối thoại bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga; Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC); Cảnh sát Liên bang Australia; Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ, Kế hoạch Colombo.
Hội nghị đã cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động và sáng kiến hợp tác theo tinh thần tại Hội nghị ASOD 37 diễn ra tại Thái Lan năm 2017; rà soát tình hình triển khai việc thực hiện các khuyến nghị của Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 5 tại Singapore vào năm 2016; cập nhật tiến độ triển khai kế hoạch hành động ASEAN về phấn đấu bảo vệ cộng đồng ASEAN chống lại tệ nạn ma túy giai đoạn 2016-2025 và đề xuất các ý tưởng hợp tác mới trong khuôn khổ ASEAN thông qua kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng từ năm 2017 đến năm 2019.
Hội nghị cũng đã đề ra các chương trình hành động cụ thể, góp phần thể hiện cam kết chính trị cấp cao của ASEAN trong phòng, chống ma túy nhằm xây dựng Cộng đồng chung ASEAN theo tinh thần “Cam kết đấu tranh và ứng phó một cách có hiệu quả với vấn đề ma túy thế giới” của Phiên họp đặc biệt UNGASS 2016, hướng tới Hội nghị cấp Bộ trưởng của ASEAN về vấn đề ma túy sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2018.
Ngoài phiên toàn thể, Hội nghị cũng đã tiến hành các phiên thảo luận theo 5 nhóm chuyên đề: giáo dục phòng ngừa, cai nghiện phục hồi, nghiên cứu, thực thi pháp luật và phát triển thay cây có chứa chất ma túy. Bên lề Hội nghị, hôm nay (27/7), sẽ diễn ra các phiên họp tham vấn với các nước đối thoại là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia về vấn đề ma túy nhằm tăng cường và tranh thủ hợp tác ngoại khối.
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN về phòng, chống tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tập trung đấu tranh với tệ nạn ma túy thông qua nhóm các giải pháp đồng bộ về giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy như kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy; đa dạng và xã hội hóa các mô hình điều trị cai nghiện và quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; triệt phá và thay thế cây có chứa chất ma túy.
Theo báo cáo tại Hội nghị, khu vực Đông và Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, sự xuất hiện và gia tăng sử dụng các chất hướng thần mới từ năm 2009 đến nay đang là thách thức lớn cho các quốc gia thành viên ASEAN. Khu vực Tam giác vàng vẫn là điểm nóng về trồng cây thuốc phiện và sản xuất ma túy tổng hợp. Ngoài ra, ASEAN còn chịu tác động không nhỏ của hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ các khu vực khác trên thế giới, đòi hỏi các nước thành viên của ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để tiến tới xây dựng một khu vực không ma túy.