Hai sáng kiến nêu trên nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp thiết thực của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam đạt được thành tựu về tiêm chủng mở rộng
Theo đó, vào ngày 18/9, tại Văn phòng LHQ tại Geneva, Việt Nam đã phối hợp với Brazil và Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tổ chức Tọa đàm quốc tế về Thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng.
Tham gia Tọa đàm có khoảng 50 đại biểu đến từ gần 30 quốc gia, các tổ chức quốc tế. 4 diễn giả gồm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn tại Geneva của Việt Nam và Brazil, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và GAVI.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh chính sách và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người được tiếp cận vaccine, tiêm chủng, góp phần quan trọng thúc đẩy sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ và đạt thành tựu quan trọng trong triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, được thiết lập từ năm 1981, với tỷ lệ cao về tiêm chủng mở rộng thông thường, và chương trình khẩn cấp như tiêm chủng ngừa COVID-19, được WHO, GAVI và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh sự nỗ lực từ phía Chính phủ và người dân,Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam đạt được thành tựu về tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là sự hỗ trợ của WHO, GAVI, COVAX và các đối tác quốc tế khác, kể cả chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 quy mô rộng lớn nhất lịch sử mới đây.
Đặc biệt, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 gần 100%, một trong những nước đạt tỷ lệ cao nhất trên thế giới, góp phần quan trọng để kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ sinh mạng của người dân đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế mặc dù trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch.
Trong giai đoạn hiện nay, các nước cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tiêm chủng, qua đó thúc đẩy và bảo vệ quyền con người có được sức khỏe ở mức cao.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng chia sẻ về chiến lược, giải pháp của Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng; xây dựng và tăng cường năng lực phát triển, sản xuất, bảo quản và phân phối vaccine, năng lực chương trình tiêm chủng.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chủ trì Tọa đàm quốc tế với sự tham gia của các diễn giả của Brazil, GAVI và WHO, Geneva ngày 18/9. Ảnh: PV TTXVN tại Geneva |
3 diễn giả khác gồm đại diện cho Brazil, WHO, GAVI đều chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng, tầm quan trọng của vaccine trong việc giảm bớt bất bình đẳng về sức khỏe, cải thiện kết quả giáo dục và việc thụ hưởng các quyền khác của con người; vai trò quan trọng của HĐNQ trong việc thúc đẩy tiêm chủng, quyền con người được tiêm chủng - là thành tố quan trọng của quyền con người được có sức khỏe ở mức cao, cả về thể chất lẫn tinh thần; nêu bật vai trò, thách thức đối với chương trình tiêm chủng.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh, HĐNQ cùng các quốc gia và các đối tác có liên quan cần thúc đẩy, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng, bảo đảm thụ hưởng quyền được tiêm chủng, quyền được có sức khỏe ở mức cao cho mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương.
Đại diện WHO, bà Kate O’BRIEN, Giám đốc Vụ tiêm chủng, miễn dịch, vaccine và sinh học, nhấn mạnh việc thực hiện Chương trình Tiêm chủng Mở rộng 2030 của WHO, với mục tiêu cứu sống 50 triệu người vào năm 2030 thông qua tiêm chủng toàn diện.
Đại diện cho GAVI, ông Derrick Sim, Giám đốc COVAX, Thị trường vaccine, và an ninh y tế, nói về vai trò, nỗ lực của GAVI trong việc hỗ trợ Chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới; đặc biệt là trong việc bảo đảm tiếp cận tiêm chủng cho các trẻ em chưa từng được tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp.
Việt Nam đưa ra phát biểu chung về quyền con người được tiêm chủng
Ngày 20/9, tại Phiên thảo luận chung về các quyền con người tại Khóa họp 54 HĐNQ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã trình bày phát biểu chung về quyền con người được tiêm chủng. Phát biểu chung này được sự ủng hộ của đông đảo các nước, với sự đồng bảo trợ chính thức của gần 60 nước từ tất cả các châu lục, tính đến chiều ngày 20/9/2023 (giờ Geneva).
Phát biểu chung nhấn mạnh mối liên hệ và tác động rất quan trọng giữa tiêm chủng và quyền con người có được sức khỏe ở mức cao, tầm quan trọng của vaccine, chủ nghĩa đa phương vaccine và các nỗ lực đa phương, vai trò của HĐNQ LHQ nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, giá thành hợp lý và kịp thời, cũng như việc thúc đẩy quyền được tiêm chủng, thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng.
Phát biểu chung kêu gọi các quốc gia và các bên liên thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về tiêm chủng của WHO nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân, ở mọi nơi và mọi lứa tuổi, được tiêm chủng, được thụ hưởng quyền có được sức khỏe ở mức cao, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già và trẻ em.
Phát biểu chung cũng kêu gọi các kế hoạch hành động về tiêm chủng cần ưu tiên các nhóm người dễ bị tổn thương nhất để phòng ngừa các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Bên cạnh đó, Phát biểu chung nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hơn nữa đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực nhằm bảo đảm tiếp cận vaccine cũng như triển khai hiệu quả, kịp thời các chương trình tiêm chủng, để bảo đảm thụ hưởng quyền có được sức khỏe ở mức cao của mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, hướng đến tương lai sức khỏe tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, từ đó nâng cao năng suất lao động và khả năng phục hồi của các quốc gia và đảm bảo một thế giới an toàn, ổn định và thịnh vượng hơn./.