Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn. Theo báo cáo điều tra, khảo sát của các tỉnh thành và 6 tỉnh miền Trung, bản đồ ô nhiễm được công bố thì hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn, vật nổ chiếm trên 6,1 triệu ha (chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước). 49/63 tỉnh thành xảy ra tai nạn thương tích do bom mìn. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính và trẻ em. Thời gian qua đã có 1813 trường hợp bị tai nạn do bom mìn, tỉ lệ thương vong là 51 %, có 919 người chết, 894 người bị thương. Một số địa phương có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn lớn như: Quảng Bình, Bình Định, Trà Vinh, Thừa Thiên- Huế, Bình Dương, Quảng Trị…
Ngay sau kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, đã chỉ đạo công tác tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 701/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, 01 Phó trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và 03 Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên -Môi trường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và 12 thành viên. Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; các giải pháp huy động, vận động thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam…
Nhiệm vụ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian tới tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật sau khi Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được ban hành và có hiệu lực. Đồng thời xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước đáp ứng mục tiêu Chương trình 504, thực hiện xã hội hóa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNMAS… đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom mìn… Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom mìn một cách toàn diện, nghiên cứu bổ sung phương thức hỗ trợ đảm bảo tính ổn định và bền vững.
Trong 3 năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tiến hành 19 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố từ nguồn quỹ của Hội. Theo thống kê, tổng số nạn nhân bom, mìn được hỗ trợ sinh kế khoảng hơn 500 người. Năm 2017, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức hỗ trợ cho 151 nạn nhân với số tiền hơn 1,831 tỷ đồng (hỗ trợ sinh kế cho 140 nạn nhân) tại các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị. Hội cũng thí điểm mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn; kết nối giải quyết chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng; hỗ trợ cung cấp dịch vụ công tác xã hội...
Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4/2018, tại Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ mít tinh và lễ diễu hành, triển lãm trưng bày tranh ảnh phản ánh thực trạng ô nhiễm và mối hiểm họa của bom mìn, vật nổ đối với con người, công tác khắc phục hậu quả trong những năm qua vào sáng 31/3. Chương trình giao lưu truyền hình “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam” sẽ diễn ra vào tối nay -3/4/2018.