Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng được gặp ngài Quốc Vụ khanh nhân dịp tham dự Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á lần thứ hai do Việt Nam tổ chức trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD cùng Australia. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với Thụy Sỹ.
Theo Phó Thủ tướng, quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ thời gian qua phát triển tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển quan hệ trong thời gian tới.
Việt Nam đánh giá cao vai trò và đóng góp của Thụy Sỹ trong OECD và đặc biệt là trong Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP). Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chân thành cảm ơn sự ủng hộ của Thụy Sỹ đối với Việt Nam trong cương vị Đồng Chủ tịch SEARP. Phó Thủ tướng kỳ vọng và tin tưởng sự tham dự và đóng góp tích cực của ngài Quốc vụ khanh và Đoàn Thụy Sỹ sẽ đóng góp lớn vào thành công của Diễn đàn năm nay.
Cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ đã cung cấp nguồn ODA quan trọng cho Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả “Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024”, với các ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tri thức, ứng phó với các thách thức mới về phát triển và biến đổi khí hậu. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Thụy Sỹ đối với nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là trong nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác doanh nghiệp...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thụy Sỹ phối hợp chặt chẽ, tạo đột phá để sớm kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Đồng thời, mong muốn Thụy Sỹ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao; thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai bên, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo những ngành mà Thụy Sỹ có thế mạnh, nhất là trong các ngành dược phẩm, công nghệ chế tạo, cơ khí chính xác, du lịch, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm...