Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu

(PLVN) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN. 
Ảnh: Tuấn Anh, Báo Thế giới & Việt Nam
Ảnh: Tuấn Anh, Báo Thế giới & Việt Nam

Theo Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ngày 24/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với chủ đề “Biến đổi khí hậu và An ninh”.

Phiên thảo luận do Đức - Chủ tịch HĐBA tháng 7/2020 - cùng Nhóm các nước đồng quan điểm (LMG) tổ chức, với sự tham dự của đại diện cấp cao 21 quốc gia thành viên LHQ và Liên minh Châu Âu (EU), các báo cáo viên gồm Trợ lý Tổng Thư ký LHQ và chuyên gia một số viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ.  

Tham gia thảo luận, các báo cáo viên và đại diện các nước chia sẻ nhận định rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời là nhân tố có thể làm trầm trọng thêm các thách thức đối với hoà bình, an ninh quốc tế, nhất là ở các khu vực bất ổn, xung đột, thậm chí có thể dẫn đến nảy sinh những tranh chấp, xung đột mới. 

Các diễn giả nhấn mạnh LHQ cần tìm giải pháp toàn diện cho những thách thức này, tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của LHQ đối với các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu; khẳng định tầm quan trọng của các thể chế đa phương trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm. 

Bên cạnh đó, mặc dù ghi nhận mối liên hệ giữa biến đối khí hậu và an ninh quốc tế, một số nước cũng cho rằng vấn đề BĐKH cần được xem xét giải quyết tại các cơ chế khác về phát triển, môi trường, thay vì tại HĐBA vốn có trọng tâm là các mối đe doạ truyền thống đối với hoà bình và an ninh quốc tế. 

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh những tác động sâu sắc của BĐKH tới sinh kế và cuộc sống, an ninh lương thực và nguồn nước của hàng triệu người dân. 

Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, nhất là nước biển dâng và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng khẳng định các biện pháp ứng phó hiệu quả BĐKH có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời khẳng định Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết về BĐKH ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt đối với hòa bình và thịnh vượng bền vững cho mọi người dân thế giới; nhấn mạnh HĐBA cần giải quyết tận gốc nguyên nhân của xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng, chủ nghĩa quân phiệt và coi thường luật pháp quốc tế. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề nghị HĐBA cần bổ sung những phân tích về tác động của BĐKH trong các đánh giá về tình hình xung đột, nhằm xây dựng một chiến lược toàn diện giải quyết xung đột, khủng hoảng; đề nghị HĐBA ủng hộ nỗ lực của toàn hệ thống LHQ trong ứng phó với BĐKH, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho các nước đang phát triển, kém phát triển, đảo nhỏ và không có biển dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH. 

“Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu…, đòi hỏi giải pháp toàn cầu thông qua hợp tác đa phương do LHQ điều phối”, Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. 

BĐKH là một trong những ưu tiên mà Việt Nam thúc đẩy khi đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy HĐBA có thông điệp chính trị mạnh mẽ, thống nhất về vấn đề BĐKH, trong đó có việc tham gia đồng chủ trì cuộc họp không chính thức về khí hậu và các nguy cơ an ninh do Pháp tổ chức ngày 22/4/2020, cũng như Thảo luận mở của HĐBA về Biến đổi khí hậu và An ninh ngày 24/7/2020.
Trong các phiên thảo luận, và trong quá trình thương lượng văn kiện, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp các nội dung thuộc quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển, các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH như kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này; bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế trong ứng phó BĐKH; tập trung giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nạn đói nghèo, bất bình đẳng…

Đọc thêm