Việt Nam nhất quán bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người

(PLO) - Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại nước ta được đưa ra gần đây. Bộ khẳng định bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam, được thúc đẩy và thực hiện phù hợp Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Bữa ăn tại cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội

Thực tế phản bác những luận điệu xuyên tạc

Giữa tháng 12/2017, Văn phòng thường trực về nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức cho các phóng viên của một số cơ quan báo chí tới thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) để có cái nhìn chính xác và đầy đủ về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. 

Tại đây, cơ sở vật chất được bố trí khá bài bản, gọn gàng. Khu nhà lưu trú của các học viên cai nghiện được giữ gìn khang trang, sạch sẽ, có hệ thống phun sương để đảm bảo mùa hè mát mẻ, còn mùa đông thì ấm áp, các học viên đều có giường riêng, chăn màn gọn ghẽ. Ngoài ra, cơ sở này cũng có khu chơi thể thao, tập gym, thậm chí còn có phòng hát karaoke, uống café… mà theo ban lãnh đạo trung tâm là để các học viên có thể vui chơi lành mạnh, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thư giãn đầu óc để giúp họ quên đi cảm giác thèm ma túy.

Theo ông Vũ Văn Trí - Giám đốc Cơ sở - việc tiếp nhận học viên ở đây được thực hiện không kể ngày đêm. Học viên sau khi đưa vào sẽ được phân loại để điều trị, chữa trị y tế và tư vấn. Điều trị y tế xong, người nghiện sẽ được chuyển về các khu quản lý và thực hiện quy trình khép, bao gồm các hoạt động tư vấn, giáo dục, truyền nghề, dạy nghề, tổ chức lao động, vui chơi giải trí… Các học viên sẽ được quản lý theo hướng đan xen giữa học tập, vui chơi và lao động trị liệu. 

Đặc biệt, ông Trí khẳng định, dù là lao động truyền nghề hay lao động bình thường thì tất cả các học viên đều được chấm công và trả lương một cách bài bản. Vào cuối tháng, cơ sở sẽ công bố bảng chấm công cho các học viên, tiến hành đánh giá để thống nhất về số công. Học viên cai nghiện có toàn quyền quyết định sẽ đưa số tiền mình kiếm được vào bữa ăn hay gửi về cho gia đình. 

Quy trình này được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ. Ngoài ra, cơ sở cũng thành lập tổ hay hội đồng người sau cai để hàng tuần các học viên họp và nếu có kiến nghị, đề xuất thì kiến nghị bằng văn bản đưa lên để Giám đốc đơn vị điều chỉnh. Việc khảo sát học viên về chế độ ăn uống, sinh hoạt… cũng được ban giám đốc cơ sở tiến hành nghiêm túc. Bên cạnh đó, cơ sở cũng cố gắng hết sức để đảm bảo đời sống của các học viên. Ví dụ, về chế độ ăn, tại đây đang có nhiều suất ăn, trong đó có những suất ăn chỉ hơn 6.000 đồng nhưng nhờ đưa các loại rau, thành phẩm chăn nuôi do các học viên lao động, sản xuất được vào nên bữa ăn của họ vẫn đảm bảo no bụng, có thịt, có rau dù giá cả tăng cao như hiện nay. 

Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7, tiền được sử dụng theo hệ thống sổ thay vì tiền mặt, theo đó khi người nghiện vào đây, số tiền họ gửi vào sẽ được ghi vào sổ và được trừ khi học viên đi ăn. Tiền học viên lao động được cũng được ghi vào sổ hoặc được chuyển về cho gia đình của họ nên việc tiêu cực, chèn ép không thể xảy ra. Các chính sách thăm nom, cho người nghiện có thành tích cai nghiện tốt về thăm gia đình được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo kỷ luật, giúp người nghiện có được động lực cai nghiện hơn.

Qua khảo sát các học viên tại cơ sở, tất cả đều khẳng định được đối xử tốt, chăm sóc chu đáo, được bố trí lao động trị liệu và sinh hoạt phù hợp, theo đúng tình hình và sức khỏe. Nhờ đó mà nhiều học viên đã cai được nghiện, có sức khỏe tốt, nhận ra được tác hại của ma túy và quyết tâm xa rời “nàng tiên nâu”.

 Những điều mắt thấy tai nghe này chính là những bằng chứng rõ ràng nhất để chứng minh các thông tin mà một số cơ quan báo chí và tổ chức nước ngoài đưa ra trước đó cho rằng các “trung tâm cai nghiện” của Việt Nam “không khác gì nhà tù”, giam giữ học viên; có hiện tượng tiêu cực như quản giáo thu phí của các học viên, đánh đập hoặc buộc người nghiện phải làm việc…

7 ưu tiên thời gian tới

Ngày 18/1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố cuốn sách Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam với phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Phát biểu công bố cuốn sách, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, xuyên suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã không ngừng đấu tranh vì các quyền tự do cơ bản của con người, nhất là quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc, quyền được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân.

Cuốn sách Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, năm 2005, Bộ Ngoại giao đã công bố sách thành tựu bảo vệ và phát triển các quyền con người ở Việt Nam. Từ đó cho đến nay Việt Nam đã chứng kiến những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. 

Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, không ngừng cải thiện mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo đảm quyền thụ hưởng, bảo vệ các quyền con người khác. “Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về thúc đẩy quyền con người và chủ động đóng góp tại các diễn đàn về quyền con người trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và nhiều cơ chế khác”, bà Hằng nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi. Do đó, bà mạnh mẽ bác bỏ những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện một số nội dung về quyền con người. Trong đó, sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm đảo bảo thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Ưu tiên thứ 2 được xác định là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và cải thiện. 

Thứ 3, Việt Nam sẽ ưu tiên nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội. Ưu tiên thứ 4 là cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, coi đây là yếu tố quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, và toàn thể xã hội. Ưu tiên thứ 6 của Việt Nam trong lĩnh vực này là chăm sóc sức khỏe cộng đồng hướng tới một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Và ưu tiên cuối cùng được xác định là tăng cường hợp tác với các quốc gia, cơ chế, các tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu liên quan đến quyền con người. 

Về việc một số đối tác quan tâm về tình hình thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng nhân quyền là giá trị chung của nhân loại nhưng vẫn có những khác biệt về tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn  hóa, thể chế chính trị và trình độ phát triển. Đây là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế, điều quan trọng là chúng ta cần sẵn sàng hợp tác trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.

“Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người với một số nước và các đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người. Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, công bằng về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người”, bà Hằng nói. 

Đọc thêm