Việt Nam phấn đấu hình thành Chính phủ số vào năm 2025

(PLVN) - Theo mục tiêu đề ra, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp.

Chiều nay (30/11), tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 đã xác định phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp đầu tiên của Ủy ban hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn, đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đây là minh chứng thể hiện cho sự quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam.

Quang cảnh Phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng, Trưởng ngành cho ý kiến cụ thể, chỉ ra những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, phát triển số, chuyển đổi số, quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là những từ khóa quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Nhờ vậy, kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá cho 3 năm từ 2018 đến năm 2020 của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.

Tại Phiên họp này, Ủy ban tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; có kế hoạch, bước đi, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về kế hoạch chuyển đổi số những năm tới. Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cách đây vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1964/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Chủ tịch Ủy ban gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm Tổ trưởng.

Đọc thêm