Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP. Các Bộ trưởng cũng đã thông qua 4 quyết định quan trọng về thực thi hiệp định này, như cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP; quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp các nước thành viên mới; quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà nước và bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước.
Theo tuyên bố chung của các Bộ trưởng, từ năm 2020 chức danh Chủ tịch Hội đồng CPTPP sẽ do các nước thành viên đảm nhận luân phiên trong thời gian 1 năm. Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng CPTPP vào năm 2026 và Phó chủ tịch hội đồng là Australia.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc triển khai CPTPP được suôn sẻ trong giai đoạn chuyển tiếp, Nhật Bản sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng năm 2019. Nước này sẽ phối hợp chặt chẽ với New Zealand (nước lưu chiểu) và Mexico (Chủ tịch trong kỳ tiếp theo) và các thành viên còn lại.