Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Séc chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan, doanh nghiệp hai nước. (Ảnh VGP) |
Sớm trao đổi, thiết lập khuôn khổ hợp tác mới
Thủ tướng đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala có ý nghĩa rất quan trọng, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước sang giai đoạn phát triển mới. Thủ tướng Petr Fiala khẳng định Séc luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác to lớn, đồng thời thống nhất các phương hướng, biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao cũng như tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đồng thời sớm trao đổi, thiết lập khuôn khổ hợp tác mới để tạo đột phá, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Về kinh tế - thương mại, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, nhất là sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đạt 848 triệu USD năm 2022; nhất trí đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 1 tỷ USD trong vòng 1 -2 năm tới bằng việc tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định EVFTA; nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế; khuyến khích các doanh nghiệp Séc đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Séc có thế mạnh như sản xuất ô tô, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, môi trường, cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường Séc…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Séc tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nước EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thủ tướng Séc Petr Fiala nhấn mạnh Việt Nam là đối tác kinh tế tiềm năng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Séc quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Về thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, Thủ tướng Séc ủng hộ tăng cường hợp tác giữa EU và Việt Nam về phát triển nghề cá bền vững và Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng.
Hai nhà lãnh đạo cùng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục - đào tạo, lao động, khoa học - kỹ thuật, giao thông vận tải, du lịch…; hai bên xem xét sớm mở Trung tâm văn hoá tại mỗi nước và đường bay thẳng để thúc đẩy đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở Séc hòa nhập và sinh sống ổn định, đóng góp tích cực cho đời sống kinh tế - xã hội tại Séc; bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Séc đánh giá cao vai trò của Cộng đồng người Việt tại Séc, đã được Chính phủ Séc công nhận quy chế dân tộc thiểu số vào năm 2013, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Séc.
Về Biển Đông, hai bên tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại mạnh mẽ hơn
Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Séc. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn truyền thống, trong đó có Séc.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ với những kết quả ấn tượng. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng 15% so với năm trước, đạt mức 848 triệu USD. Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, Séc hiện là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu. Trong lĩnh vực đầu tư, Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 92 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Về phía Séc, Thủ tướng Petr Fiala nhấn mạnh, với việc hai bên đã tham gia Hiệp định EVFTA, hai bên sẽ tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định mang lại để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại mạnh mẽ hơn, vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân và lợi ích quốc gia của cả hai nước.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Séc đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan, doanh nghiệp hai nước.