Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư

Ngày 3/9, tại Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc – ASEAN 2013 và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng...

Ngày 3/9, tại Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc – ASEAN 2013 và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng nói:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khai mạc

Trước hết, tôi xin gửi tới Chính phủ nước CHND Trung Hoa lời cảm ơn chân thành về công tác tổ chức chu đáo và lòng mến khách.

Tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu khai mạc Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 10 (CAEXPO 10) và Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại và Đầu tư ASEAN - Trung Quốc (CABIS 2013) đúng vào dịp ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại ASEAN - Trung Quốc lên mức 500 tỷ USD trước năm 2015.

Trung Quốc là một đối tác ngoại khối đầu tiên và quan trọng nhất của ASEAN. Năm 2002, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc và sau đó, lần lượt các Hiệp định Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Hiệp định Đầu tư ASEAN - Trung Quốc được ký kết đã hoàn tất các trụ cột cho khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, đây là khu vực mậu dịch tự do sớm nhất mà ASEAN thiết lập với một nước đối tác.

Trên nền tảng vững chắc đó, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng bình quân 22% mỗi năm. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại thứ ba của Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào các nước ASEAN cũng tăng trưởng đều đặn. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhân dân các nước trong khu vực cũng ngày càng được thắt chặt.

Tôi cũng vui mừng nhận thấy, cả ASEAN và Trung Quốc đã liên tục có những nỗ lực và sáng kiến để tạo dựng nền tảng tốt hơn nữa cho sự phát triển. Tôi hy vọng rằng trên cơ sở thiện chí của các bên, những nỗ lực này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng đều hơn trong khu vực.

Bên cạnh đó, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc đã trở thành sự kiện hàng năm có vai trò nổi bật, tạo cơ hội quan trọng để giới thiệu tiềm năng kinh tế, đầu tư của mỗi nước, giúp doanh nghiệp các bên gặp gỡ đối tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và cùng có lợi, cùng phát triển. Việt Nam luôn có số lượng doanh nghiệp tham gia lớn nhất tại Hội chợ này.

Việt Nam đã trải qua 6 năm là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, đang cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN và chủ động tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn và đầy biến động của kinh tế thế giới, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được mức tăng trưởng GDP bình quân 5,6% mỗi năm trong 3 năm 2011-2013 vừa qua.

Về thương mại, năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với thế giới là 204 tỷ USD; trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc là 41 tỷ USD (đứng ở vị trí thứ nhất) và ASEAN là hơn 38 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 đạt 115 tỷ USD tăng 18% so với năm 2011. Năm 2013 dự kiến đạt khoảng 130 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2012. Tính bình quân 3 năm 2011-2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 21%/năm (năm 2011 tăng 34,2%; năm 2012 tăng 18,2%; năm 2013 ước tăng 12,7%). ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba và là nguồn cung cấp hàng hoá lớn thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam, sau Trung Quốc.

Về đầu tư, Việt Nam được đánh giá là một địa điểm đầu tư dài hạn và triển vọng nhờ có sự ổn định về chính trị xã hội, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nguồn lao động trẻ, cần cù, sáng tạo với chi phí thấp và đặc biệt là sự kết nối chặt chẽ của thị trường Việt Nam với thị trường khổng lồ của Trung Quốc và thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN.

Đến nay đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam có 15.100 dự án với tổng số vốn đăng ký là 220 tỷ USD, đã giải ngân khoảng 50% (107 tỷ USD).

Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định tự do thuế quan (FTA); có hợp tác kinh tế song phương với nhiều nước và hiện nay, đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA song phương với EU và một số đối tác lớn khác để mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất nhằm cải cách kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi luôn ủng hộ và coi trọng hợp tác ASEAN - Trung Quốc, đồng thời tin tưởng rằng khuôn khổ này sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc và ASEAN phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi cũng ủng hộ việc nghiên cứu, trao đổi để nâng cấp phiên bản hợp tác FTA giữa ASEAN và Trung Quốc phù hợp với lợi ích chung của các bên để cùng nhau phát triển, cùng hưởng lợi.

Việt Nam chúng tôi cho rằng, cùng với hợp tác phát triển cùng có lợi trên các lĩnh vực thì mọi tranh chấp, khác biệt trong khu vực chúng ta là một thực tế, phải được kiểm soát một cách trách nhiệm và hiệu quả, phải cùng nhau xây dựng lòng tin và quyết tâm chính trị, phải cùng nhau hiệp thương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cùng tìm các giải pháp thích hợp mà các bên liên quan đều chấp nhận, đồng thuận.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong quá trình tham gia vào các sáng kiến hợp tác khu vực, kể cả các Hội nghị CAEXPO, phấn đấu thúc đẩy quan hệ ASEAN và Trung Quốc nói chung và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng.

Đọc thêm