Việt Nam và nỗ lực đóng cửa các quán thịt chó, mèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo Tổ chức Y tế thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc đóng cửa các quán thịt chó, mèo không chỉ nhằm bảo vệ nhóm động vật đồng hành mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Lễ ký cam kết chuyển đổi mô hình kinh doanh và chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo tại Hội An ngày 5/12. (Ảnh: baomoi.com)
Lễ ký cam kết chuyển đổi mô hình kinh doanh và chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo tại Hội An ngày 5/12. (Ảnh: baomoi.com)

“Mô hình để thay đổi”

Ông Phạm Quốc Doanh (37 tuổi), người kinh doanh cơ sở giết mổ thịt mèo được 5 năm đã tự tay dỡ bỏ biển hiệu quán “thịt mèo” của mình nhằm ủng hộ chiến dịch ngừng kinh doanh, buôn bán, giết mổ thịt chó mèo của tổ chức Humane Society International (HSI) tại Việt Nam. Theo đó, ông Doanh đã tham gia chương trình “Mô hình để thay đổi - Models for change”, từ đó nhận được sự vận động và hỗ trợ từ HSI Việt Nam để đóng cửa quán thịt mèo của mình.

Trước đó, mỗi tháng cơ sở kinh doanh của ông đã giết mổ tới 300 con mèo để chế biến các món ăn từ “tiểu hổ” phục vụ thực khách. Sự hối hận vì đã giết hại động vật, đặc biệt là cả những vật nuôi bị bắt trộm đã thôi thúc ông quyết tâm từ bỏ nghề buôn bán này mãi mãi.

Ông Doanh cho biết: “Từ rất lâu, tôi thực sự mong muốn từ bỏ công việc này và chuyển nghề kinh doanh khác. Mỗi khi nghĩ đến hàng nghìn con mèo mà bị giết và phục vụ các món ăn từ chúng trong những năm qua trong lòng tôi vô cùng buồn khổ. Tình trạng trộm mèo ở Việt Nam phổ biến đến nỗi tôi biết rất nhiều con được bán tới đây là bạn đồng hành thân thiết của nhiều gia đình”.

Sau khi ngừng kinh doanh quán thịt mèo, ông cảm thấy hạnh phúc vì giờ đây, nhờ có sự giúp đỡ của tổ chức HSI mà vợ chồng tôi có thể từ bỏ nghề này và khởi đầu một hành trình mới có ích cho cộng đồng địa phương, khép lại vĩnh viễn hoạt động buôn bán tàn bạo này. “Tôi mong muốn Việt Nam sẽ sớm có thể ban hành lệnh cấm buôn bán giết mổ thịt mèo và cả chó trong tương lai”, ông Doanh nói.

Với nguồn hỗ trợ một lần từ HSI, ông Doanh đang triển khai để mở một cửa hàng tạp hoá. Là một phần của thoả thuận, ông Doanh đã ký kết và đồng ý chuyển giao 20 cá thể mèo cho HSI để chúng được giải cứu. Dưới sự kết hợp của HSI Việt Nam cùng với các cán bộ chuyên môn Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, 20 cá thể mèo bao gồm cả mèo trưởng thành và mèo con sắp bị giết mổ tại nhà hàng ông Doanh đã được tiến hành giải cứu. Ngay sau đó, 20 cá thể mèo đã được trao cơ hội sống thứ hai, được giải cứu và đưa đến Trạm cứu hộ động vật tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Tại đây các cá thể được tiêm phòng, chăm sóc y tế và phục hồi trước khi được nhân nuôi bởi các gia đình địa phương.

TS. Nguyễn Quang, quản lý chương trình động vật đồng hành của HSI tại Việt Nam cho biết rất vui mừng khi đóng cửa thành công cơ sở kinh doanh thịt mèo đầu tiên tại Việt Nam và hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người tiên phong như ông Doanh quay lưng lại với nghề buôn bán này. “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh giải cứu động vật đồng hành của mình cho đến khi nhìn thấy lệnh cấm buôn bán thịt mèo được ban hành trên toàn quốc”, TS. Nguyễn Quang cho biết.

Lần đầu tiên được triển khai vào năm 2022 tại Thái Nguyên, chương trình “Mô hình để thay đổi” đã giúp đóng cửa hai nhà hàng (lò mổ) thịt chó và giải cứu hơn 60 chú chó. Tại lần triển khai thứ 3 này, nhà hàng thịt mèo đầu tiên đã được giải cứu trong chương trình. Trong thời gian tới, HSI có dự định sẽ triển khai chương trình tại Đồng Nai nhằm đóng cửa thêm nhiều nhà hàng thịt chó, mèo, đồng thời giải cứu và trao cho chúng một cuộc sống mới.

Theo HSI, việc buôn bán thịt chó, mèo không chỉ tàn ác đến khó tin, mà còn tiểm ẩn nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người từ việc lây truyền các bệnh có khả năng gây chết người như bệnh dại. Hy vọng chương trình “Mô hình để thay đổi” sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Việt Nam nhằm cung cấp cho những người lao động sinh kế thay thế và hiệu quả về kinh tế, đồng thời hỗ trợ Chính phủ trong nỗ lực loại trừ bệnh dại.

Thành phố đầu tiên cam kết không bán thịt chó, mèo

Ông Doanh trực tiếp dỡ bỏ biển hiệu nhà hàng “thịt mèo” của mình khi tham gia “Mô hình để thay đổi”. (Ảnh: HSI).

Ông Doanh trực tiếp dỡ bỏ biển hiệu nhà hàng “thịt mèo” của mình khi tham gia “Mô hình để thay đổi”. (Ảnh: HSI).

Cùng đồng hành trong nỗ lực đóng cửa các quán thịt chó, mèo tại Việt Nam, vào tháng 12/2021, trong một thỏa thuận mang tính lịch sử giữa UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS), Hội An đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo, hướng tới thành phố du lịch thân thiện. Vào thời điểm đó, lễ ký kết đã gây chú ý dư luận khi đây được xem là hành động tiên phong bởi trên cả nước mới chỉ có địa phương này “mạnh tay” khi không ăn thịt chó, mèo.

Mới đây vào ngày 5/12, FOUR PAWS và UBND TP Hội An đã đóng cửa một trong những nhà hàng thịt chó, mèo cuối cùng tại Hội An. Cửa hàng buôn bán thịt chó đóng cửa có địa chỉ nằm tại phường Cẩm Phô, TP Hội An và đã hoạt động trong gần 15 năm. Nơi đây thường xuyên cung cấp thịt chó sống và chế biến cho thực khách tại địa phương, ông Phạm Văn Quyết - chủ cửa hàng cho biết trước đây mỗi năm, cửa hàng tiêu thụ hơn 350 con chó.

FOUR PAWS cho biết, ngay từ lần đầu tiên đến Hội An, tổ chức đã chú ý tới cửa hàng chuyên bán thịt chó này. Là cửa hàng kinh doanh lâu năm nhất trong số các cửa hàng bán thịt chó, mèo tại Hội An, sau khi được chính quyền địa phương vận động, thuyết phục, ông Phạm Văn Quyết đã tình nguyện đồng ý theo chủ trương của chính quyền TP Hội An để đóng cửa cơ sở kinh doanh.

“Khi tôi biết tới dự án mà FOUR PAWS và UBND TP Hội An nhằm chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo trong thành phố, tôi thấy mình có thể góp phần giảm thiểu tình trạng này bằng cách đóng cửa nhà hàng của mình. Tôi cũng sẽ vận động các chủ nhà hàng khác sớm hành động như mình”, ông Quyết chia sẻ.

Bà Karen O’Malley, Giám đốc Chương trình Chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo của FOUR PAWS cho biết: “Sự kiện đóng cửa nhà hàng này là một bước tiến tích cực của chính quyền Hội An trong việc loại bỏ dần nạn buôn bán thịt chó, mèo. Với nhiều vật nuôi vô tội bị bắt trên đường phố hoặc bị đánh cắp khỏi nhà của chúng tại địa phương, chúng tôi hy vọng rằng việc loại bỏ vĩnh viễn thịt chó, mèo ra khỏi thực đơn sẽ bảo vệ cuộc sống của hàng nghìn cá thể động vật trong tương lai”.

Những năm qua, 2 đơn vị đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động như các đợt triệt sản và tiêm phòng miễn phí, tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó có các bảng quảng cáo lớn và màn hình LED được đặt ở những vị trí nổi bật quanh thành phố để nhấn mạnh những nguy cơ của việc buôn bán thịt chó, mèo. Cho đến nay, Hội An đã triển khai thành công một số hoạt động trên địa bàn nhằm hạn chế tình trạng buôn bán thịt chó, mèo. Sự kiện đóng cửa nhà hàng thịt chó mới đây đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng kể từ lễ ký kết biên bản năm 2021.

Việc đưa Hội An thành địa phương đầu tiên của Việt Nam chấm dứt việc buôn bán thịt chó, mèo là mục tiêu gần nhất của FOUR PAWS. Trong tương lai, FOUR PAWS mong muốn các thành phố khác trên khắp Việt Nam làm điều tương tự. Với mục tiêu xa hơn, FOUR PAWS sẽ quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo ở Đông Nam Á thông qua sự hợp tác của Chính phủ, hỗ trợ các chương trình chăm sóc động vật hoang dã tại địa phương, tiến hành cứu hộ và đóng cửa lò mổ, đồng thời nâng cao nhận thức về rủi ro của nạn buôn bán này.

Theo thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế, trung bình hằng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt tại Việt Nam, bao gồm cả chó, mèo bị bắt trộm và chó, mèo hoang. Vấn nạn buôn bán thịt chó mèo ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ gây tranh cãi, mà còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh dại và sự xuất hiện của các dịch bệnh khác.

Đồng thời, nạn trộm thú cưng đang trở thành một vấn đề xã hội ngày càng gia tăng ở Việt Nam, với việc ngày càng có nhiều người yêu động vật và nuôi thú cưng cảm thấy thất vọng khi thiếu vắng vai trò của cơ quan thực thi pháp luật trong việc bảo vệ vật nuôi của họ khỏi những tay trộm và buôn bán vô nhân đạo.

Đọc thêm