Vinashin không đơn độc ’vượt sóng’

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng khẳng định, Vinalines cùng các tập đoàn, tổng công ty khác sẽ sát cánh cùng Vinashin và tin tưởng Vinashin tái cơ cấu thành công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Quyết định 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), mở ra một giai đoạn mới cho sự củng cố, ổn định và phát triển Tập đoàn này. 

Tổng công ty Nam Triệu đang gấp rút hoàn thành tàu để giao khách hàng.


Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, những tiền đề quan trọng để tái cơ cấu và phát triển Vinashin đã dần xuất hiện. Trong Đề án tái cơ cấu Vinashin mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, vai trò của bộ quản lý ngành cụ thể hơn; nếu trước đây chỉ góp ý kiến thì nay là chỉ đạo trực tiếp quy hoạch phát triển, mục tiêu phát triển, vấn đề tổ chức, cán bộ … của Tập đoàn.

Bộ GTVT sẽ chủ trì thẩm định và trình Chính phủ tất cả những nội dung quan trọng trên.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xác định lại mức vốn điều lệ của Vinashin phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ sát cánh cùng Vinashin chung sức vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng khẳng định, trong thời điểm mà những người thợ đóng tàu của Vinashin đang nỗ lực vượt qua khó khăn thì Vinalines cùng các tập đoàn, tổng công ty khác sẽ sát cánh cùng Vinashin và tin tưởng Vinashin tái cơ cấu thành công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Dương Chí Dũng chia sẻ, Vinalines đã tiếp nhận từ Vinashin 26 con tàu, duy trì được đội tàu trước đây của Vinashin khi Tập đoàn này gặp khó khăn. Với kinh nghiệm chuyên môn, cùng khả năng tài chính của mình, Vinalines đã đưa vào hoạt động 23 con tàu. Đến tháng 12 tới, sẽ đưa vào hoạt động tiếp 2 tàu trong đó có tàu Hoa Sen, là con tàu được dư luận quan tâm nhiều nhất. Dự kiến từ ngày 5-18/12 sẽ bàn giao con tàu này. Tổng doanh thu những đội tàu mà Vinashin chuyển sang cho Vinalines đến nay là trên 1.400 tỷ đồng.

Ông Dương Chí Dũng cho biết thêm, hiện nay trong số 27 tàu Vinashin đang đóng dở không được tiếp tục thực hiện do một số khách hàng rút đơn hàng, Vinalines đã rà soát lại cùng Vinashin để khai thác 20 tàu phù hợp với đối tác và thị trường của Vinalines. Ngày 22/11 tới, Vinalines sẽ ký thỏa thuận để tiếp tục đóng hoàn thành 20 con tàu này, đồng thời, Vinalines đang tiếp tục thực hiện đóng 2 tàu 47.500 tấn. Như vậy, tổng trị giá Vinalines giúp cho Vinashin gần 10.000 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa mà Vinalines rất chú trọng giải quyết, theo ông Dương Chí Dũng đó là vấn đề tạo công ăn việc làm, tạo được đời sống ổn định cho người lao động. Gần 1.500 cán bộ, công nhân của Vinashin về Vinalines đều được giải quyết việc làm, bảo đảm lương và bảo hiểm xã hội. Hiện nay lương bình quân của cán bộ, công nhân viên Vinalines là 6 triệu đồng/tháng và cán bộ của Vinashin khi được chuyển về Vinalines cũng nhận lương tương tự như vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin cũng chia sẻ thêm, mặc dù tình hình Tập đoàn hiện nay đang gặp khó khăn, nợ lương người lao động trên 100 tỷ đồng nhưng hiện tại đội ngũ cán bộ công nhân của Vinashin rất yêu nghề, sẵn sàng chấp nhận khó khăn để gắn bó với ngành, đây là điều rất đáng quý.

Tập đoàn có thể vay để giải quyết lương cho người lao động từ quỹ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời trong năm 2010 phải giải quyết hết nợ lương công nhân, ông Sự khẳng định,

Ông Sự còn cho biết thêm, Công ty Kiểm toán quốc tế KPMD sẽ giúp Vinashin rà soát quy trình quản trị nhằm khắc phục những lỗ hổng, giúp tổ chức, hoàn thiện hơn nữa khâu sản xuất.

Có thể thấy tại điểm thời điểm này, Vinashin không đơn độc “vượt sóng”.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm