Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với một loạt khó khăn, thách thức, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước bị thu hẹp, song, nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc có thêm cơ hội gặp gỡ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiểu biểu được trưng bày tại các hội chợ, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. (Ảnh: Phùng Hải)
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiểu biểu được trưng bày tại các hội chợ, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. (Ảnh: Phùng Hải)

Theo báo cáo của UBND tỉnh, những tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 65.906,6 tỷ đồng, tăng 10,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, tuyên truyền rộng rãi về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị liên quan tổ chức đoàn công tác khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2 tỉnh, thành khác là Cần Thơ và Cà Mau; 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch và hội chợ kích cầu tiêu dùng tại huyện Yên Lạc.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Phát triển công thương tham dự các hội nghị tập huấn hướng dẫn cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại quốc gia và nâng cao năng lực quản lý, thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng cũng được hỗ trợ trưng bày, quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất tiếp cận được các phương thức kinh doanh mới giúp việc tiêu thụ hàng hóa trở nên nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Cụ thể, một số loại nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã được hỗ trợ lên kinh doanh trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Hiện, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (vptex.vn) của tỉnh chuyên về trao đổi mua bán máy móc, công nghệ và thiết bị đã thu hút hơn 2.260 doanh nghiệp tham gia, chiếm khoảng 30% số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Nhờ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, nhận thức cũng như thói quen trong tiêu dùng, đặc biệt là người dân nông thôn, miền núi đã có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện đưa hàng hóa chất lượng mang thương hiệu Việt và các sản phẩm đặc trưng trong tỉnh đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có thêm cơ hội nắm bắt nhu cầu, tiềm năng của thị trường để thay đổi tư duy, chiến lược phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh tìm kiếm đối tác, mua bán giao thương hàng hóa và cung ứng dịch vụ, thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại.

Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, tập huấn cho các doanh nghiệp về kỹ năng xúc tiến thương mại, văn minh thương mại, quản lý doanh nghiệp đáp ứng với thời kỳ hội nhập quốc tế; tăng cường công tác quản lý thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ, các phiên chợ, các đợt bán hàng Việt lưu động về nông thôn, miền núi, các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với hàng Việt và dần thay đổi thói quen trong tiêu dùng; tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ, hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh thành trong nước và các thị trường nước ngoài; triển khai một số nội dung hỗ trợ mô hình kinh doanh thương mại - dịch vụ để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với đối tượng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi; cửa hàng kinh doanh tổng hợp; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và của địa phương…

Đọc thêm