Điểm sáng thu hút FDI
Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vĩnh Phúc, năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 462 triệu USD, vượt gần 2,7% kế hoạch năm; năm 2023, thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn là 78 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 604,2 triệu USD, tăng 30,76% so với cùng kỳ. 10 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 65 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 485,4 triệu USD, tăng 39% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở KH&ĐT, khu vực FDI luôn là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống người dân. Hằng năm, khu vực này đóng góp trên 65% cho tổng thu ngân sách Nhà nước và từ 56 - 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 với tổng vốn FDI là 2,5 tỷ USD.
Phần lớn các nhà đầu tư (NĐT) đến Vĩnh Phúc là các NĐT lớn, NĐT chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net zero, đầu tư sản xuất xanh như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty cổ phần Signetics... mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đổi mới cách thức, giải pháp thu hút đầu tư
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc, có được kết quả trên là do Vĩnh Phúc đã thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai các đề án cụ thể trong suốt những năm qua.
Cụ thể như: Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án thu hút NĐT chiến lược tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030…
Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Ability Electronics Technology Vietnam (Đài Loan) tại KCN Bá Thiện, phân khu I.vừa đi vào hoạt động. (ảnh: Vinhphuc.vn) |
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) theo hướng hiện đại, đồng bộ; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao của các NĐT.
Địa phương cũng luôn quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NĐT, doanh nghiệp; thực hiện chăm sóc tốt các NĐT đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, thông qua các hình thức hỗ trợ như: Đẩy mạnh cải cách hành chính;
Định kỳ hằng quý tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình và khó khăn của doanh nghiệp theo kênh độc lập; Tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước; Tập trung hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
Hay như phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các KCN tại TP Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch để xây dựng chương trình, kêu gọi thu hút đầu tư theo định hướng chung của tỉnh.
Định hướng thu hút 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia
Theo Đề án thu hút các NĐT chiến lược, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%.
Để đạt được các mục tiêu này và đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch xây dựng và quy hoạch hạ tầng KCN nhằm giúp tối ưu hóa sử dụng đất đai, tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các NĐT - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Địa phương cùng nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các dự án FDI theo hướng vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước… Trước mắt là xem xét, thực hiện việc hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với NĐT thứ cấp đầu tư vào các KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các KCN tỉnh; thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, các chính sách liên vùng, xây dựng các cơ chế về thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác với các bộ, ngành, Đại sứ quán, tham tán, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức Jica, Jetro, KCCI, Kotra...
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông khảo sát tình hình đầu tư hạ tầng, phát triển công nghiệp của KCN Bá Thiện 1. Ảnh: Khánh Linh |
Thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ triển lãm để tiếp xúc với NĐT, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các NĐT đang hoạt động, đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư.
Đặc biệt, thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp logistics và dịch vụ hỗ trợ logistics; phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia; các khu văn hóa, vui chơi, giải trí, bảo đảm nhu cầu làm việc, đời sống của Nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, níu chân, thu hút các NĐT chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng.