Vĩnh Phúc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung nguồn vốn, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp…
Xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh
Xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh

Vĩnh Phúc đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả Chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM tại các xã; đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các xã chủ động phát huy nguồn lực tổng hợp; chỉ đạo các xã rà soát, chọn lọc các công trình thật sự cần thiết để đầu tư và đầu tư theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình cụ thể, tránh nợ đọng khi đã đạt chuẩn sau này.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 130 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động hơn 4.450 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động hơn 4.450 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động hơn 4.450 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ gần 860 tỷ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ gần 1.030 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 230 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn lồng ghép hơn 2.130 tỷ đồng.

Song song với việc hoàn thành chương trình nông thôn mới, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm tới đời sống văn hóa tinh thần và an sinh xã hội cho người dân, lấy mục tiêu con người làm trung tâm. Theo đó, địa phương đặc biệt chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng đề án Làng văn hóa kiểu mẫu tại các xã trên địa bàn, góp phần ngày càng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có 35 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh; 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn. Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, quán triệt tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực tham gia xây dựng, đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp.

Đọc thêm