Vĩnh Phúc không thu hút đầu tư bằng mọi giá

(PLO) - Những năm qua, với nhiều lợi thế sẵn có cùng chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thành công nhất với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nỗ lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhưng Vĩnh Phúc cũng sẵn sàng từ chối các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng về nguồn thu ngân sách không phải là nhỏ.
Một góc Vĩnh Phúc
Một góc Vĩnh Phúc

Điểm đến hấp dẫn

Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tỉnh có hệ thống giao thông được quy hoạch, đầu tư phát triển đảm bảo kết nối liên tỉnh và nội tỉnh thuận lợi. Vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông phát triển, bên cạnh các chính sách chung của quốc gia, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển như: Tạo mặt bằng, quỹ đất sạch, trợ giúp DN tiếp cận đất đai; đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đảm bảo cung cấp đầy đủ các hạ tầng thiết yếu về cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải… đến chân hàng rào các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; thường xuyên tổ chức đối thoại, đồng hành lắng nghe, kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển… Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cả nước với các nhà đầu trong và ngoài nước.

Đến nay, toàn tỉnh còn gần 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với số vốn đăng ký đầu tư gần 3,9 tỷ USD; hơn 600 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), với số vốn đăng ký đầu tư gần 70 nghìn tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã thu hút thêm 27 dự án FDI mới, với số vốn đăng ký đầu tư gần 95 triệu USD, tăng 17% về số dự án và trên 86% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017; điều chỉnh tăng vốn cho 16 lượt dự án, số vốn tăng thêm gần 130 triệu USD. Thu hút thêm 20 dự án DDI, số vốn đăng ký trên 1.400 tỷ đồng; tăng 33% về số dự án và 2405 về số vốn so với cùng kỳ năm 2017. 

Tỉnh có 18 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tổng diện tích hơn 5.200 ha; trong đó, 11 Khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với 12 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, số vốn đầu tư trên 8.300 tỷ đồng và trên 95 triệu USD. Rất nhiều các tên tuổi đình đám trong nền công nghiệp thế giới đã đến tìm hiểu và quyết định gắn bó với Vĩnh Phúc như: Tập đoàn Toyota, Honda (Nhật Bản); Piaggio (Italia), Daewoo (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Foxconn, Compal (Đài Loan, Trung Quốc)…

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Thu hút đầu tư là ưu tiên hàng đầu của Vĩnh Phúc nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh đó là: “Các DN đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh”. Tuy nhiên, chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh cũng rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ.

Minh chứng rõ ràng nhất, đó là mới đây tỉnh đã có văn bản lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông, Trung Quốc) đặt tại Khu công nghiệp Bá Thiện, do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ Dự án, mặc dù trước đó tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn TAL đầu tư dự án may mặc tại khu công nghiệp này, với sản lượng hàng triệu quần, áo xuất khẩu mỗi năm và tạo việc làm hơn 2.200 lao động.

Được biết, Dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL (gồm các công đoạn tẩy - nhuộm - giặt mài), công suất gần 61 triệu mét vải/năm, diện tích đất sử dụng hơn 38ha. Khi đi vào hoạt động dự án sẽ sử dụng khối lượng hóa chất khoảng 17.000 tấn/năm và lượng nước thải trung bình gần 12.000m3/ngày đêm và xả thải ra đầu nguồn sông Mây tại xã Thiện Kế đổ về sông Cà Lồ vào sông Cầu, trong khi theo Sở NN&PTNT vào mùa khô dòng chảy tại điểm xả thải của Dự án tại sông Mây thời điểm thấp nhất tháng 2 chỉ đạt là 4.000m3/ngày đêm. 

Để đảm bảo minh bạch, khách quan, trước khi khước từ dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL, Vĩnh Phúc đã tổ chức đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Đánh giá dự án đầu tư nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động đến môi trường”, có sự tham gia của 13 chuyên gia kinh tế, môi trường; 12 đại diện các bộ, ngành TƯ; 3 đại diện UBND các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu và vùng Thủ đô; đại diện các địa phương nơi dự kiến đặt Nhà máy.

Đa số các ý kiến cho rằng việc đặt Dự án ở đây là không phù hợp quy hoạch và Vĩnh Phúc cần kiên định thực hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng dân cư. Do vậy, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận Dự án.

Có thể nói, việc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình thu hút đầu tư các địa phương cần tỉnh táo và đủ bản lĩnh để từ chối các dự án có rủi ro cao, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”, được một trước mắt nhưng về sau sẽ phải mất mười.

Đọc thêm