Vĩnh Phúc: Phấn đấu tăng trưởng đạt từ 7,5 - 7,8%

(PLVN) -  Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của Vĩnh Phúc được đánh giá tiếp tục khởi sắc. Địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng đạt từ 7,5 - 7,8% , cao hơn cả nước…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chu Kiều
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chu Kiều

Kinh tế khởi sắc….

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố tại phiên họp thường kỳ tháng 10 cho thấy, kinh tế của Vĩnh Phúc tiếp tục khởi sắc ở cả 3 khu vực.

Theo đó, thu hút đầu tư đạt cao, đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư 23 dự án đầu tư trong nước (DDI) (15 dự án mới, 8 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4.968 tỷ đồng. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã cấp giấy phép đầu tư 69 dự án (30 dự án mới, 39 dự án điều chỉnh vốn) với vốn đăng ký 581,4 triệu USD, vượt 45,35% kế hoạch giao đầu năm.

Tổng số có 1.226 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,61% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 318. Giải quyết việc làm 10 tháng cho hơn 19.600 lao động, tăng 8,83% so với cùng kỳ, vượt 15,32% kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong tháng 10, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,69% so với cùng kỳ và tăng 5,81% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, IIP tăng 11,15% so với cùng kỳ. Sản xuất nông - lâm - thủy sản dù gặp thiên tai, giảm sản lượng, diện tích nhưng vẫn ổn định. Đến nay có 141 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.326,2 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 16,49% so với cùng kỳ. Lũy kế doanh thu 10 tháng từ lĩnh vực này đạt hơn 65.900 tỷ đồng, tăng 10,29% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất, nhập khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế 10 tháng ước đạt 13,05 tỷ USD, tăng 12,58% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,55 tỷ USD, tăng 26,37% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 21.320 tỷ đồng, đạt 64,6% so với dự toán năm 2024, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 17.131 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10,46% so với cùng kỳ; thu xuất, nhập khẩu đạt 4.172 tỷ đồng, đạt 77,26% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10,79% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách đạt 18.576 tỷ đồng, giảm 6,63% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 8.864 tỷ đồng, vượt 2,07% so với dự toán, giảm 21,36% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 9.559 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Vĩnh Phúc: Phấn đấu tăng trưởng đạt từ 7,5 - 7,8% ảnh 1 Vĩnh Phúc xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng về giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh: Thế Hùng)

Đặc biệt, đến ngày 15/10, giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc đã đạt 4.683 tỷ đồng, bằng 60,2% kế hoạch vốn Trung ương giao (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài), cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước, xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng.

Còn nhiều khó khăn…

Mặc dù 10 tháng năm 2024, tình hình kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả nhất định song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần tiếp tục tháo gỡ.

Nổi lên là: Tăng trưởng GRDP chưa bền vững; Hệ thống ngân hàng khó khăn; Thị trường bất động sản phục hồi chậm; thu hút vốn DDI đạt thấp so với cùng kỳ, chưa thu hút được dự án quy mô lớn; Dự án phát triển nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra...

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn về tìm kiếm thị trường, chi phí cao, ngành sản xuất chủ lực ô tô, xe máy đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của tỉnh thấp hơn trung bình cả nước; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với cùng kỳ và dự toán; công tác giải phóng mặt bằng các dự án chậm; hồ sơ quá hạn chậm giải quyết tăng...

Sau khi nghe các đại biểu góp ý, kiến nghị vào nội dung các báo cáo, tờ trình về phương hướng, nhiệm vụ tháng 11 và tháng 12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đánh giá cao kết quả điều hành công việc tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của các sở, ngành, địa phương và ý kiến của các đại biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cũng phân tích những thuận lợi, khó khăn, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu điều chỉnh kế hoạch phù hợp, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các nhiệm vụ UBND tỉnh xây dựng trong năm và nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh trong phiên họp thường kỳ tháng 9, tiếp tục chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ trong 2 tháng cuối năm, phấn đấu tăng trưởng đạt từ 7,5 - 7,8%, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Lĩnh vực thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc 10 tháng đầu năm (ảnh: ĐTCK)

Lĩnh vực thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc 10 tháng đầu năm (ảnh: ĐTCK)

Các Sở ban ngành quyết liệt vào cuộc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả, tập trung tháo gỡ khó khăn thực hiện chương trình Hành động số 06 của UBND tỉnh; chuẩn bị nội dung xây dựng báo cáo chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp; chính sách an sinh xã hội; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh theo luật.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, chống lãng phí. Quyết tâm hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mốc thời gian quy định được giao; nâng cao hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào thực tiễn; bảo vệ môi trường…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 - 7,8% cũng như hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ban ngành.

Theo đó, Sở KH&ĐT trên cơ sở rà soát báo cáo, phân tích lý do nguyên nhân chỉ số tồn kho, kim ngạch xuất, nhập khẩu, điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư công và dự kiến đầu tư công năm 2025, tránh dư thừa vốn trả lại, đẩy mạnh đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/11 đạt trên 80%, đến ngày 31/12 đạt trên 90%, đến hết tháng 1/2025 đạt trên 95%. Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh; phối hợp với các sở, ngành đôn đốc, tổng hợp báo cáo tham mưu UBND tỉnh.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tiết kiệm cắt giảm 5% chi thường xuyên; khẩn trương có kế hoạch rà soát nhà đất dôi dư và tài sản các cơ quan để có phương án điều chỉnh hợp lý; rà soát các nguồn lực báo cáo nghiên cứu khả thi liên quan quy hoạch ngành.

Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh, tháo gỡ khó khăn việc xây dựng nhà ở xã hội.

Sở Tài nguyên và Môi trường bám sát Luật Đất đai 2024 phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện ban hành giá đất mới trước ngày 31/12, đẩy nhanh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tồn đọng.

Sở Công thương đánh giá, dự báo sát thị trường ô tô xe máy, tham mưu UBND tỉnh điều hành kịp thời các chính sách về sản xuất ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, đôn đốc giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng các khu công nghiệp...

Quý III/2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc đã có sự khởi sắc và phục hồi trở lại; ước tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 Vùng và thứ 10 toàn quốc (cao nhất từ đầu năm đến nay). Qua đó, đưa tốc độ tăng GRDP 9 tháng đầu năm của Tỉnh ước đạt 7,95% so với cùng kỳ (đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản ước tăng 2,16%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 11,69%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,21%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) ước tăng 2,41%.

Đọc thêm