Vĩnh Phúc siết chặt công tác quản lý nhà nước về hồ, đầm

(PLVN) -  Tập trung chỉ đạo, triển khai việc cắm mốc chỉ giới kè hồ, đầm tại thực địa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến việc san lấp hồ, ao, đầm hoặc xây dựng công trình trái phép… Đó là các giải pháp đồng bộ mà các cấp chính quyền trong tỉnh đã và đang triển khai, nhằm siết chặt công tác quản lý Nhà nước về hồ, đầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên đã được Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 và cắm mốc chỉ giới kè hồ tại thực địa, góp phần phát huy hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ hồ, đầm của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 874 hồ, ao, đầm có chức năng phân lũ, điều tiết công tác tưới tiêu thủy lợi, điều hòa môi trường, tạo cảnh quan môi sinh thái thuộc danh mục không được san lấp theo Quyết định số 1687 của UBND tỉnh. Trong đó, các huyện Lập Thạch, Tam Dương và Vĩnh Tường là 3 địa phương có số lượng hồ, ao, đầm không được san lấp nhiều nhất tỉnh.

Thực hiện công tác bảo vệ hồ, đầm, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cắm mốc phạm vi bảo vệ hồ chứa nước, hồ thủy lợi, như Thanh Lanh, Đại Lải, Vĩnh Thành, Làng Hà, Bản Long, Xạ Hương, Đồng Mỏ, Vân Trục, Bò Lạc... Một số hồ khác được lồng ghép thực hiện khi đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp.

Đồng thời, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh, thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ thủy lợi.

Hằng năm, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan tích cực thanh, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, bảo vệ hồ, ao, đầm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giao UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, không để xảy ra việc san lấp hồ, ao, đầm hoặc xây dựng công trình trái phép theo địa bàn thuộc phạm vi quản lý; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép theo quy định.

Từ năm 2020 đến nay, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trên hồ, ao, đầm theo quy định của pháp luật.

Điển hình, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 5 chủ đầu tư dự án được giao đất, cho thuê đất xung quanh hồ Đại Lải; trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 1 doanh nghiệp với số tiền 706 triệu đồng…

Đầm Vạc hiện đã được cắm mốc chỉ giới kè hồ tại thực địa cũng như cập nhật vào đồ án Quy hoạch phân khu A4 tỷ lệ 1/2000 phát triển khu đô thị trung tâm tại thành phố Vĩnh Yên và một phần đất đai của 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lạc.

Xung quanh hồ hiện có một số dự án, như Dự án khu đô thị sinh thái Sông Hồng - Nam Đầm Vạc tại phường Khai Quang, dự án khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc tại phường Đống Đa, dự án khu dịch vụ và nhà ở sinh thái Đầm Vạc tại phường Tích Sơn, dự án khu sân golf và biệt thự nhà vườn Mậu Lâm tại phường Khai Quang, dự án Khu du lịch dịch vụ Sông Hồng Thủ Đô…

Nhìn chung, các dự án khu đô thị sinh thái được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố Vĩnh Yên trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại… Đồng thời, giúp tăng các nguồn thu từ hoạt động khai thác dịch vụ thuỷ lợi khác, giảm gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh.

Qua rà soát của Sở Xây dựng, quy hoạch các dự án đã giao chủ đầu tư xung quanh Đầm Vạc đều đã được phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đảm bảo trùng khớp với Quy hoạch chỉ giới kè hồ và nạo vét Đầm Vạc đã được phê duyệt, không chồng lấn vào diện tích quy hoạch lòng hồ.

Tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với các ao, hồ, đầm trong tỉnh, UBND tỉnh giao các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản đối với nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của tỉnh liên quan đến quản lý, bảo vệ hồ, đầm.

Chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng hoàn thiện phương án cắm mốc, tổ chức cắm mốc để quản lý các hồ chứa theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khi thực hiện nhiệm vụ tham mưu, thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch trong thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án có sử dụng đất liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Sở NN&PTNT đề nghị các Công ty TNHH MTV thủy lợi, UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xả nước thải, chất thải, rác thải ở khu vực hồ chứa; kịp thời ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về xây dựng, nhà ở, đất đai, thủy lợi, bảo vệ môi trường… cho nhân dân trên địa bàn.

Đọc thêm