Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã được hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hào hứng đón nhận với sự đồng thuận cao, khẳng định thế trận lòng dân, đoàn kết đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.
|
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo Ảnh: Đức Hiền |
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã đạt được những kết quả tích cực, song quá trình xây dựng còn nhiều nhiệm vụ đặt ra, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục phải thực hiện.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” là hoạt động thiết thực, có nhiều ý nghĩa đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn địa phương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
|
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo Ảnh: Đức Hiền |
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, thảo luận để tư vấn cho tỉnh Vĩnh Phúc trong triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó, cần tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; chia sẻ, giới thiệu các mô hình làng văn hóa của một số quốc gia trên thế giới; việc bảo đảm nguồn lực cho triển khai xây dựng, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, rào cản về thể chế, quy định trong huy động và sử dụng nguồn lực…
Hội thảo xoay quanh hai nội dung quan trọng: thứ nhất, phân tích làm rõ vai trò của Đảng, của người dân trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; sự khác biệt giữa xây dựng nông thôn mới với mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng làng văn hóa ở Hàn Quốc và những gợi mở ở Việt Nam trong xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc hiện nay.
Thứ hai, bàn về chính sách, nguồn lực đầu tư, cơ chế vận hành, vai trò của các doanh nghiệp để kiến tạo sức mạnh nội sinh xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ...
|
Các đại biểu đang tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo Ảnh: Đức Hiền |
Hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, qua đó cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, qua những trao đổi, chia sẻ của các đại biểu cũng cho thấy, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ những tác động của quá trình chuyển đổi mô hình xã hội, từ mặt trái nền kinh tế thị trường.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu với những đặc trưng cơ bản và xây dựng mô hình này là một xu thế tất yếu khách quan dựa trên nhu cầu phát triển, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và những thành tựu đạt được từ quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, các ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo này sẽ góp thêm những góc nhìn mới, đa chiều về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc.
Trong khuôn khổ của buổi Hội thảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 35 gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của các LVHKM của tỉnh như: Sữa Vĩnh Tường, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, sản phẩm rèn Lý Nhân, gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng...
|
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Làng văn hóa kiểu mẫu cho đại biểu tham quan. |
Bên cạnh đó, là không gian triển lãm tranh về những thành tựu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, còn có các đặc trưng về văn hóa như: Các lễ hội truyền thống, các phong trào văn nghệ, thể thao và đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Tất cả không gian Hội thảo đều truyền đi thông điệp, mục tiêu của Vĩnh Phúc là phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, hướng tới chân, thiện, mỹ và mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển.
Qua đó, phản ánh chân thực về đất và người Vĩnh Phúc phát triển về kinh tế và giàu truyền thống văn hóa, các làng quê đáng sống, ở đó người dân có cuộc sống hạnh phúc.