Đây là một trong những nội dung trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2016-2020 vừa được VNPT ký kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 3/10. Mục tiêu của hợp tác nhằm tăng cường ứng dụng kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào quá sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm và công nghệ mới, kết hợp phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho Tập đoàn VNPT.
Đồng thời, hai Bên cũng sẽ phối hợp trong hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của VNPT và đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm dịch vụ của VNPT trong các hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo đó, VNPT và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cùng nhau hợp tác trong 4 lĩnh vực là nghiên cứu khoa học, quảng bá thương hiệu, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho VNPT, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ phục vụ đào tạo, nghiên cứu và quản lý hệ thống cho Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong đó, hai bên sẽ tổ chức, tham gia các nhóm nghiên cứu để thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ; thỏa thuận hình thành Phòng thí nghiệm nghiên cứu VNPT - Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm hợp tác và hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội trong hoạt động phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, hướng tới việc phát triển sản phẩm nghiên cứu chung đảm bảo quyền lợi và mục đích của cả hai bên.
Tập đoàn VNPT sẽ xây dựng các chương trình khuyến học, học bổng sinh viên với mục tiêu tuyển dụng cho VNPT; tạo điều kiện cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thực tập tại đơn vị của VNPT; định hướng các đề tài do VNPT đặt hàng phù hợp yêu cầu thực tiễn trong sản xuất kinh doanh của VNPT. Đồng thời, VNPT hỗ trợ và cung cấp phần mềm, dịch vụ e-Univeristy để quản lý đào tạo và các công cụ quản lý hành chính khác.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT khẳng định: “Nhu cầu của VNPT về nguồn nhân lực CNTT rất cấp bách. Dự kiến đến năm 2020, VNPT cần có khoảng 10.000 người chuyên về CNTT. Hiện Tập đoàn có khoảng 38.000 CBCNV và dự kiến khối công nghệ thông tin càng ngày càng tăng, tỷ lệ cán bộ khối điện tử Viễn thông càng ngày càng giảm. VNPT đã chuyển gần 2.000 người sang đào tạo các kỹ năng về IT để phù hợp với xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực CNTT của tập đoàn cũng như đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay”. Do đó, VNPT mong muốn mỗi năm trường Đại học Bách khoa Hà Nội cung cấp cho VNPT từ 500 -1.000 sinh viên IT.
Trong khuôn khổ của Thỏa thuận hợp tác này, Tập đoàn VNPT mong muốn cùng với Trường xây dựng hệ thống LAB tại Đại học Bách khoa Hà Nội kết nối trực tiếp với LAB -VNPT để cùng thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển của cả Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn VNPT bằng nguồn vốn Nghiên cứu phát triển KHCN của Tập đoàn. Đồng thời, VNPT sẽ hợp tác với các doanh nghiệp CNTT hàng đầu thế giới như Oracle, Microsoft để cùng hỗ trợ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển nguồn nhân lực IT chất lượng cao theo đúng với Sứ mệnh và Tầm nhìn của Nhà trường.
“Hợp tác này chính là nền móng vững chắc để VNPT chuyển hướng chiến lược, giúp cho chúng tôi đào tào nguồn nhân lực, chuyển tỷ lệ % nhân lực sang công nghệ, sở hữu trí tuệ nhiều hơn. Chính vì thế, Tập đoàn đã tập trung xây dựng trung tâm R&D, đầu tư trung tâm R&D để sở hữu trí tuệ trong tương lai, đồng thời đi sâu vào công nghệ hiện đại như cuộc cách mạng 4.0 về công nghiệp lần thứ 4. Việc chúng tôi đầu tư là để giúp cho Tập đoàn nói riêng và Việt Nam nói chung làm chủ công nghệ, tránh nhập ngoại” - ông Hùng khẳng định.
Cũng trong buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, VNPT cam kết sẽ đảm bảo nguồn tài chính và tập hợp lực lượng để hỗ trợ tối đa cho trường đại học Bách khoa Hà Nội.