Vợ chồng Thiếu tá quân đội tự tạc tượng, xây nhà thờ Bác

Vợ chồng ông đã dốc công sức và của cải dành dụm, thậm chí vay mượn thêm để tạc tượng Bác, xây nhà thờ Bác trên đất gia đình. Người trọn đời hướng về Bác là thiếu tá quân đội về hưu Võ Như Thông.

Vợ chồng ông đã dốc công sức và của cải dành dụm, thậm chí vay mượn thêm để tạc tượng Bác, xây nhà thờ Bác trên đất gia đình. Người trọn đời hướng về Bác là thiếu tá quân đội về hưu Võ Như Thông.

Ông Thông may mắn được gặp Bác tới 3 lần. Trong một lễ tuyên thệ quyết tử cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ông đã đổi tên mình thành Tử Vi Dân (có nghĩa là Tử Vì Dân, chết vì dân - PV). Và cái tên Tử Vi Dân được gọi cho đến tận bây giờ.

Nhà ông Thông ở ngay trung tâm Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Ông Thông hồ hởi kể: Ông sinh ra và  lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là liệt sĩ, mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng. 13 tuổi ông đã tham gia tuyên truyền, rồi làm liên lạc cho bộ đội chống thực dân Pháp xâm lược.

nhatho2

Ông Thông bên tượng Bác Hồ mà vợ chồng ông đã dốc công xây dựng.

Năm 1955, ông được cử ra Bắc để học tập, trong khoảng thời gian này ông đã may mắn 3 lần được gặp Bác Hồ, một niềm vinh dự  mà bất kì chiến sĩ nào cũng mơ  ước.

Năm 1964, ông xin vào Nam để chiến đấu chống đế quốc xâm lược.

Từ ngày Bác Hồ mất đến bây giờ, hằng năm ông đều lấy ngày 2/9 làm ngày giỗ Bác. “Lúc đó, tôi thờ Bác chung bàn thờ với ông bà tổ Tiên của gia đình. Ngày giỗ Bác, tôi cũng vái như vái cha tôi và mời bà con hàng xóm đến chung vui như giỗ gia tộc mình. Ban đầu mọi người còn thấy lạ, sau thành quen. Mỗi lần giỗ Bác thì có gần 40 hộ gia đình ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh đến thắp hương vái lạy Bác”, ông Thông niềm nở tâm sự.

Dần dà theo thời gian, số người đến dự giỗ ngày một đông mà nhà ông bà thì lại quá nhỏ, vậy là ông nảy ra ý định “tạc” tượng Bác Hồ và xây một khu nhà 3 gian làm nơi thờ tự Bác.

Ban đầu các con ông phản đối nhưng bà Huỳnh Thị Thuyền vợ ông lại hết sức ủng hộ. “Ông cứ xây đi, nợ bao nhiêu tôi trả!”, bà Thuyền mạnh dạn tuyên bố.

Không đắn đo, ông bà rút tất cả số tiền tích cóp từ đồng lương hưu ít ỏi để tiến hành mơ ước của hai vợ chồng, bất chấp sự can ngăn của các con.

Hai vợ chồng ông xuống tận Non Nước (Đà Nẵng) để mua đá tạc tượng Bác. Ông Thông dự tính, hoàn thành nhà thờ Bác đầu tư khoảng vài ba chục triệu, nhưng không ngờ chỉ mới tạc được tượng Bác đã hết “nhẵn” số tiền gom góp.

Ông Thông đành tạc tượng Bác Hồ trước rồi tiếp tục huy động con cái đóng góp, vay mượn thêm hàng xóm để tiếp tục hoàn thiện công trình mơ ước của mình.

Bà Thuyền tâm sự: “Hai vợ chồng tôi định nhờ kiến trúc sư thiết kế, nhưng kiến trúc sư đòi 5 triệu. Đắt quá! Vậy là ông nhà tui tự thiết kế nhà thờ Bác luôn”.

Không có nhiều tiền, ông bà đành “tính đến đâu hay đến đó”. Ông Thông lần lược xây bệ thờ, lư hương rồi lên kiểm lâm xin…gỗ lim về làm nhà thờ

Ông hì hụi suốt ngày để khiêng đá về đặt móng. Người dân trong làng thấy tấm lòng của ông đối với Bác nên thường xuyên động viên và tìm cách giúp đỡ.

Đến tháng 8/2008, tượng Bác mới chính thức được đặt lên “bệ”, rồi đến đầu tháng 6/2009, nhà thờ mới hoàn thành.

Ngày khánh thành nhà ông chọn đúng ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - ngày 5/6.

Tượng Bác Hồ uy nguy, tráng lệ cùng ngôi nhà lưu niệm 3 gian xinh xắn hoàn thiện trở thành sự kiện nổi bậc giữa thị trấn.

Bên trong ngôi nhàcó nơi đặt những bài báo, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác do ông sưu tầm.

nhatho4

Những cuốn sách, báo về Bác Hồ mà ông Thông đã sưu tầm.

Ông Thông cho biết: “Tôi đã vào tận Cục văn thư lưu trữ Bảo tàng TP.HCM để thiết lập Đồ phả cội nguồn về Bác”.

Những tác phẩm thơ văn của Bác đều được ông chuyển thành thư pháp. Nhà lưu niệm như một thư viện thu nhỏ với gần 200 cuốn sách viết về Bác và có  cả những tác phẩm do chính tay Bác viết.

Người dân trong huyện vào ra thắp hương viếng Bác không ngớt, khách thập phương nghe tin cũng tìm tới tham qua. Nơi này còn thu hút nhiều học sinh Trường Dân tộc nội trú và cấp 2 Nguyễn Du đến tìm sách kham khảo.

“Tôi muốn xây thêm thư viện nhỏ để học sinh có nơi tham khảo tài liệu và thu thập thêm nhiều đầu sách viết về Bác hơn nữa để các cháu tha hồ đọc, nhưng phải trả hết nợ cái đã…”, ông Thông chia sẻ.

Minh Kiệt

Đọc thêm