Vở kịch “Búp bê” cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo chi phối con người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vở kịch “Búp bê” cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối cuộc sống con người. Trong thế giới ảo ấy, con người hãy sống thật, chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim.
“Búp bê" là câu chuyện ẩn dụ rất độc đáo, vừa đời thường vừa mang tính giả định (ảnh BTC).
“Búp bê" là câu chuyện ẩn dụ rất độc đáo, vừa đời thường vừa mang tính giả định (ảnh BTC).

“Búp bê" là câu chuyện ẩn dụ rất độc đáo, vừa đời thường vừa mang tính giả định. Vở kịch chỉ bao gồm 4 nhân vật: Một chàng trẻ tuổi đẹp trai, vừa tham vọng lại vừa suy tư với một thân phận kép ẩn giấu nhiều bí mật, một cô gái trẻ mười tám đôi mươi nhiều mơ mộng nhưng lại bị “áo cơm ghì sát đất”, một người đàn ông trung niên giàu có đang muốn tìm vợ để che giấu con người thật và một má mì đầy thủ đoạn.

Vở kịch “Búp bê” cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo chi phối con người (ảnh BTC).

Vở kịch “Búp bê” cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo chi phối con người (ảnh BTC).

Thông minh, hài hước mà sắc sảo, sâu cay, những lời thoại sinh động đã chắp thêm đôi cánh cho diễn xuất của diễn viên. Cũng chính những lời thoại cập nhật cách nói “trend” của giới trẻ ấy đã góp phần chuyển tải thông điệp chính của “Búp bê” muốn gửi gắm, đó là cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối cuộc sống con người. Trong thế giới ảo ấy, con người hãy sống thật, chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim, như lời thoại của các nhân vật: “Nếu trí tuệ nhân tạo chiến thắng ở mọi mặt trận thì tình yêu cũng thế!”.

Vở kịch “Búp bê” đánh dấu lần đầu tiên kịch Lê Hoàng được dựng ở sân khấu Hà Nội, cũng đánh dấu lần đầu cộng tác giữa Lê Hoàng với đạo diễn Trần Lực và LucTeam sẽ công diễn vào lúc 20 giờ các ngày 23, 29/7 và 6/8/2023 trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

Đi tiên phong trong phong cách ước lệ - biểu hiện, kịch của Trần Lực và LucTeam sử dụng thủ pháp ước lệ của sân khấu với bối cảnh tối giản tuyệt đối cả về hình thức bài trí đến đạo cụ, đòi hỏi kỹ năng diễn xuất sắc bén và đa năng của diễn viên. Từ ngôn ngữ hình thể, cách nhả thoại, ngắt câu cho đến việc tự do giải phóng hình thể, biểu diễn ngôn ngữ cơ thể tối đa ở không gian rộng với ánh sáng đơn sắc.

Vở kịch dùng ánh sáng âm u, có chút “hù dọa” để làm nổi bật diễn xuất hình thể của diễn viên (ảnh BTC).

Vở kịch dùng ánh sáng âm u, có chút “hù dọa” để làm nổi bật diễn xuất hình thể của diễn viên (ảnh BTC).

Các vở kịch của LucTeam thu hút giới chuyên môn bởi những sáng tạo mới mẻ, phá cách, còn khán giả lại bị hấp dẫn không chỉ bởi những tình tiết trong vở kịch mà còn bởi kỹ năng diễn xuất đa dạng của diễn viên, không chỉ diễn kịch mà còn ca hát, nhảy múa. Đặc biệt, ca từ và lời thoại bắt trend cực hấp dẫn, sinh đông, mỗi vở kịch đều có một sáng tạo độc đáo mang đến tính trẻ trung, đương đại thu hút được khán giả ở nhiều lứa tuổi.

Đạo diễn Trần Lực cho biết, anh chủ trương dùng ánh sáng âm u, có chút “hù dọa” để làm nổi bật diễn xuất hình thể của diễn viên. Đặc biệt, anh chia sẻ ý tưởng sẽ có hai kíp diễn với những cách thể hiện khác nhau cho mỗi suất diễn: “Các vở diễn của Lucteam sẽ luôn luôn thay đổi, không chỉ ở việc thay đổi diễn viên mà vẫn vở kịch và diễn viên ấy - mỗi đêm sẽ mang lại một cảm xúc khác biệt. Đó chính là thế mạnh của sân khấu, nhất là sân khấu ước lệ - biểu hiện. Thay đổi cho tươi mới, để hình tượng nhân vật luôn hấp dẫn. Với những lợi thế của mình, kịch ước lệ - biểu hiện có thể tạo nên những nhân vật mà tính tư tưởng có thể không đồng nhất với ngoại hình và bằng kỹ thuật diễn xuất kết hợp hình thể, diễn viên chuyển tải tư tưởng, tính cách của nhân vật”.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, LucTeam đã trải qua một chặng đường 6 năm với nhiều thử thách. Là đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở xứ Bắc tiên phong trong việc thử nghiệm một loại hình nghệ thuật còn mới mẻ với khán giả: kịch ước lệ - biểu hiện, LucTeam đã dàn dựng và làm mới nhiều vở kịch, từ những vở kịch kinh điển trên sân khấu kịch Việt Nam một thời như: “Quẫn”,“Bạch đàn liễu” đến kịch phi lý phương Tây như: “Nữ ca sĩ hói đầu”, hài kịch: “Cơn ghen của Lọ lem”.

Đọc thêm