'Võ lâm minh chủ' Kim Dung một đời thành công và cũng có đủ bi thương

(PLO) -Một đời thành công và cũng có đủ bi thương, Kim Dung tạ thế và để lại nhiều sự tiếc thương cho hàng triệu khán giả.


'Võ lâm minh chủ' Kim Dung một đời thành công và cũng có đủ bi thương

Nhà văn Kim Dung (tên thật Tra Lương Dung) đã qua đời tại bệnh viên Hồng Kông ngày 30 tháng 10 thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Hưởng thọ 94 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương không chỉ với giới nghệ sĩ mà còn hàng triệu khán giả - những người được ông viết cho giấc mộng võ hiệp đẹp đẽ.

Một đời thành công

Sinh năm 1924 tại Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia đình chuyên nghiệp thi cử danh giá, ông cố của Kim Dung là một nhà thơ nổi tiếng còn ông nội của ông là một vị quan cuối thời nhà Thanh.

Từng tốt nghiệp cử nhân Luật quốc tế tại Đại Học Tô Châu, Kim Dung có thời gian công tác tại Nhật báo Đông Nam khi còn là sinh viên. Sau đó, ông tiếp tục công tác tại tờ Đại Công Báo và chuyển đến Hồng Kông làm việc sau khi tốt nghiệp năm 1948. Sau những biến cố gia đình, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết võ hiệp với việc xây dựng hình tượng những người anh hùng giỏi giang, hào hiệp, trượng nghĩa ... làm nhân vật chính xuyên suốt những tác phẩm của mình.

 

Những tác phẩm của Kim Dung đã lan truyền khắp nơi trên thế giới, trở thành nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm phim truyền hình, điện ảnh, sân khấu. Đồng thời giúp ông nhận được nhiều giải thưởng/thành tựu như huân chương OBE của Anh và Bắc đẩu bội tinh của Nhà nước Pháp. Ngoài sự nghiệp văn chương, nhà văn Kim Dung cũng là giáo sư/tiến sĩ danh dự của những trường đại học danh tiếng trên thế giới như ĐH Bắc Kinh, ĐH Cambridge ...

Tác phẩm đầu tay của Kim Dung ra đời năm 1955 với tiêu đề "Thư Kiếm Ân Cừu Lục" đã thu hút được sự chú ý của giới văn học thời bấy giờ. Sau đó, với gần 14 bộ tác phẩm kinh điển, kết thúc bằng bộ "Lộc Đỉnh Ký" năm 1970 đã đưa ông trở thành tiểu thuyết gia võ hiệp số một thế kỉ 20. Không dừng lại ở đó, ông liên tục chỉnh sửa và tái bản các bộ tiểu thuyết của mình từ năm 1999 và chỉ thực sự ngừng công việc viết lách năm 2006. Ngoài việc viết tiểu thuyết, ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo và điều hành tờ báo này trong suốt 30 năm từ năm 1959 tới năm 1989 khi đã ngoài 60.

Tại Việt Nam, Kim Dung nổi tiến với những bộ tiểu thuyết kinh điển như Xạ điêu tam bộ khúc (bộ 3 gồm Anh Hùng Xạ Điêu - Thần Điêu Đại Hiệp - Ỷ Thiên Đồ Long Ký), Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Hiệp Khách Hành ... và những bộ phim chuyển thể đã ăn sâu vào tiềm thức khán giả.

Các tác phẩm của Kim Dung được sáng tác theo dòng lịch sử, miêu tả những hoạt động của "giới võ lâm giang hồ" nằm bên lề các diễn biến chính sự của những triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Hoa. Không chỉ hệ thống hóa và gắn kết với nhau chặt chẽ, các tác phẩm của Kim Dung thậm chí còn tạo thành tư tưởng định hình, hình dung về nền võ thuật Trung Quốc với lịch sử hàng ngàn năm tới độc giả Việt Nam với những môn phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, ... cùng những môn quyền cước nổi danh.

Lấy bối cảnh lịch sử đan xen cùng những tình tiết hư/thực của giới võ lâm, các câu chuyện của Kim Dung xoay quanh những nhân vật chính là các thanh thiếu niên anh hùng, hào hiệp, tinh thông võ nghệ, trượng nghĩa,  ... Luôn đứng giữa những sóng gió của thời đại để hướng tới những mục tiêu cuối cùng cao đẹp nhất. Những cái tên Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Tiêu Phong - Hư Trúc - Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo, ... đã ghi đậm dấu ấn hình tượng trong lòng người hâm mộ.

Ngay cả đến thời điểm hiện tại, những tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung từng thành công tại thị trường Việt Nam liên tục chào đón thêm những bộ phim chuyển thể như Thần Điêu Đại Hiệp (các năm 1995, 1998, 2006, 2014), Anh Hùng Xạ Điêu (2003, 2017), Ỷ Thiên Đồ Long Ký (2003, 2009), Thiên Long Bát Bộ (2003), Lộc Đỉnh Ký (2000, 2008 .... cùng những cái tên quen thuộc như Huỳnh Hiểu Minh - Lưu Diệc Phi, Dương Mịch, Trương Vệ Kiện, Tô Hữu Bằng, Phạm Văn Phương - Lý Minh Thuận, Lý Á Bằng - Châu Tấn, ...

Tình yêu sóng gió

Cuộc đời Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng đều không khiến ông hạnh phúc. Kim Dung đã từng thừa nhận: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.

Kim Dung là người có lý tưởng tình yêu, ông luôn hướng đến nhất kiến chung tình, bách niên giai lão. Nhưng chính ông phải nuối tiếc vì không làm được điều đó.

Người vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân - tiểu thư xuất thân dòng dõi. Bà chính là mối tình đầu, khiến Kim Dung "vừa gặp đã yêu". Năm 1948, hai người tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.

Kim Dung và người vợ đầu - Đỗ Dã Phần.
Kim Dung và người vợ đầu - Đỗ Dã Phần.

Kết hôn không bao lâu, Kim Dung sang Hong Kong phát triển sự nghiệp, Dã Phân theo chồng. Ở thành phố xa lạ, Dã Phân cảm thấy khó thích nghi. Sau nhiều lần căng thẳng, tới năm 1953, hai người quyết định ly hôn sau gần 5 năm sống chung.

Khi đó còn có tin Dã Phân vụng trộm bên ngoài nhưng Kim Dung không lên tiếng. Mãi sau này, ông mới trả lời trong một cuộc phỏng vấn là: "Bây giờ nói ra cũng không là gì nữa rồi, người vợ đầu tiên phản bội tôi", năm đó nhà văn đã 74 tuổi.

Người vợ thứ hai chính là Chu Mai - người cùng ông đồng cam cộng khổ. Chu Mai sinh năm 1933 tại Hong Kong. Hai người nên duyên vợ chồng năm 1956.

Kim Dung và vợ hai Chu Mai.
Kim Dung và vợ hai Chu Mai.

Đây cũng là khoảng thời gian Kim Dung bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp và sáng lập nên tờ Minh Báo.

Ban đầu, Minh Báo chưa có tiếng tăm nên lượng tiêu thụ không tốt khiến cả hai vợ chồng chịu nhiều áp lực. Cùng với đó là việc con trai chào đời nên gánh nặng kinh tế càng lớn.

Những ngày ấy, hai người gần như làm việc thâu đêm suốt sáng nhưng không nản chí. Cả hai vợ chồng cùng nhau đồng cam cộng khổ, nỗ lực duy trì tờ Minh Báo.

Đặc biệt là khi tờ Minh Báo trở thành nơi đăng tải độc quyền các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, lượng tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.

Khi Minh Báo đã đạt được vị trí trong làng truyền thông cũng là khi cuộc sống vợ chồng Kim Dung bắt đầu lục đục. Chu Mai sáng lập thêm hai tờ báo, dồn tâm huyết cho công việc. Năm 1976, mâu thuẫn không thể hàn gắn, hai người quyết định ly hôn.

Cặp vợ chồng có tất cả bốn người con, hai trai, hai gái. Khi ly hôn, Chu Mai đưa ra hai điều kiện là Kim Dung bồi thường vật chất cho bà và nếu lấy vợ nữa thì không được có thêm con. Nhà văn liền đồng ý.

Sau khi ly hôn, Chu Mai sống chật vật và qua đời năm 1998 vì bạo bệnh. Mỗi lần nhắc đến người vợ thứ hai Kim Dung đều day dứt vì cảm thấy có lỗi. Trong cuộc phỏng vấn năm 90 tuổi, Kim Dung đã bật khóc khi nói về bà.

Hiện tại, Kim Dung sống cùng người vợ thứ ba là Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. Bà là một nhà văn và rất hâm mộ Kim Dung. Sau nhiều lần chuyện trò, tâm sự, cả hai dần thân thiết rồi trở thành vợ chồng.

Kim Dung và Lâm Nhạc Di.
Kim Dung và Lâm Nhạc Di.

Với cuộc hôn nhân này, Kim Dung khá kín tiếng. Dù chênh lệch tuổi khá lớn nhưng hai người luôn dành cho nhau những cử chỉ thân mật. Nhưng Kim Dung đã giữ lời hứa không có thêm con.

Ngoài ba người vợ thì Kim Dung còn nuôi mộng tình yêu với đại minh tinh Hà Mộng. Sinh năm 1932, Hà Mộng là diễn viên hàng đầu của Hong Kong thập niên 50 60. Ngày ấy có tin Kim Dung từng từ bỏ công việc ở một tòa soạn báo để chuyển sang làm biên kịch phim, nhằm tiếp cận người đẹp. Để gây chú ý hơn, ông lấn sân làm đạo diễn, mời Hạ Mộng đóng chính trong phim của mình.

Nhưng cố gắng của Kim Dung cũng không thể lọt vào mắt xanh của người đẹp. Cuối cùng Hà Mộng cũng mãi là "người tình trong mộng" mà thôi.

Kim Dung từng ca ngợi nhan sắc Hạ Mộng: "Chưa ai nhìn thấy Tây Thi đẹp như thế nào. Tôi nghĩ, Tây Thi đẹp như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền".

Con trai tự sát khi mới 19 tuổi

Dù kết hôn 3 lần nhưng Kim Dung chỉ có con với người vợ thứ hai - Chu Mai. Ông có tất cả 4 người con, gồm 2 trai, 2 gái.

Con trai đầu của Kim Dung là Tra Truyền Hiệp, thừa hưởng tài năng văn chương của cha. Năm 4 tuổi, Truyền Hiệp đã thuộc Tam Tự Kinh; 6 tuổi có thể nằm lòng Tăng Quảng Hiền Văn. Khi lên 11, Tra Truyền Hiệp có tác phẩm đầu tay mang tên Cuộc đời ta là vì cái gì.

Kim Dung rất tự hào về người con trai "thần đồng văn học" này. Ông đánh giá con trai có tư tưởng thông tuệ, suy nghĩ chín chắn, trưởng thành và bỏ ngoài tai những lời nhận xét rằng văn phong của Truyền Hiệp quá u uất so với tuổi thật.

Song suy nghĩ sai lầm đó của Kim Dung đã đẩy ông đến với bi kịch tiếp theo của cuộc đời, đó là "kẻ đầu bạc phải tiễn người đầu xanh".

Tháng 10/1976, Kim Dung nhận tin như sét đánh ngang tai. Con trai ông - Tra Truyền Hiệp đã thắt cổ tự sát tại Mỹ ở tuổi 19. Anh quyên sinh sau một trận tranh cãi với bạn gái ngoại quốc.

Nhưng cũng có người nói rằng, nguyên nhân chính khiến Tra Truyền Hiệp quyết định kết thúc cuộc đời không phải do tình ái, mà là vì anh biết chuyện cha mẹ bất hòa, ly hôn. Bế tắc trong cuộc sống, chìm đắm trong u uất, Tra Truyền Hiệp đã chọn cái chết để giải thoát chính mình.

Nỗi đau mất con là vết thương vẫn không thôi rỉ máu trong lòng Kim Dung. Đến tận 28 năm sau khi con trai qua đời, ông vẫn chẳng thể nguôi ngoai:

"Tôi nhớ rõ ngày đó, khi nhận được tin con trai qua đời tại Mỹ, lòng tôi trống rỗng, nỗi đau chẳng thể khóc thành tiếng.

Tôi vẫn đang làm việc ở tòa soạn, tay viết văn mà lòng đau như cắt. Rồi tôi khóc òa như một đứa trẻ, càng khóc tôi càng muốn viết".

Sau cái chết của con trai, Kim Dung ngày càng tin vào đạo lý luân hồi trong Phật pháp. Các tác phẩm của ông đều mang màu sắc của đạo Phật. Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh Báo cho Vu Phẩm Hải cũng vì "thấy người này có nét giống con trai tôi, hai người lại cùng tuổi".