Các ý kiến thống nhất đánh giá cao việc chống tham nhũng trong thời gian gần đây đã mang lại kết quả rõ rệt, phục hồi lòng tin của nhân dân vào trận chiến “giặc nội xâm”. Không coi là “giặc”, một đại biểu coi đó là “sâu bọ”, đã là sâu bọ thì phải diệt trừ nên đề nghị đổi tên luật thành “Luật Phòng trừ tham nhũng”. Cũng rất đúng, bởi từ lâu, dân gian gọi những kẻ tham nhũng là “sâu dân, mọt nước”, tham nhũng chính là sâu mọt. Đại biểu này cũng coi trừ tham nhũng là cuộc chiến khốc liệt nên có danh hiệu “Dũng sỹ diệt tham nhũng” như thời kỳ chống Mỹ, cứu nước vậy.
Đáng chú ý là các ý kiến đã chỉ ra những “lỗ hổng” trong luật khiến việc phòng chống tham nhũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Điển hình là việc thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để cơ quan mình xảy ra tham nhũng song thực tế không xử được ai về “trách nhiệm” này vì cơ chế “song trùng trực thuộc” cũng như cấp phó của ông ta do cấp cao hơn bổ nhiệm thì cấp đó phải chịu trách nhiệm chứ, tóm lại, dây dợ lằng nhằng quấn chân điều luật, mắc mớ không đi nổi. Hoặc, kê khai tài sản rõ ràng là hình thức mặc dù quy định rất cụ thể đối tượng, phạm vi kê khai trong nghị định của Chính phủ từ năm 2013.
Chẳng hạn, ứng cử vào HĐND hay Quốc hội đều phải kê khai tài sản nhưng đã có cử tri nào được nhìn thấy bản kê khai đó?. Ý kiến đại biểu nói rằng, một năm đóng thuế thu nhập 1-2 triệu đồng mà sắm được nhà lầu, xe hơi thì giải thích như thế nào?. Cán bộ có 4-5 căn nhà nhưng có đứng tên ông ta và vợ ông ta đâu, làm gì được ông ấy. Tuy nhiên, trên thực tế, những biệt thự, biệt phủ nguy nga của cán bộ “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà có ai làm được gì đâu. Tài sản bất minh lồ lộ nhưng chẳng chứng minh được người ta tham nhũng và cũng rất ít ai cất công chứng minh đó là tài sản bất minh, cho dù đó chính là nhiệm vụ của mình.
Nhân dân rất ủng hộ việc phòng chống, diệt trừ tham nhũng và còn mong hơn là tài sản tham nhũng phải được thu hồi. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này phải đáp ứng được tiêu chí đó!