Vốn FDI 4 tháng đầu năm cao nhất trong 5 năm qua

(PLVN) - Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng trong 5 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng…

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Cục Thống kê cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng. CPI tháng 4 tăng 1,37% so với tháng 12/2024; Tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tăng 3,05%.

Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2025 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giá ổn định. 8 nhóm hàng hóa chỉ số tăng gồm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Nhóm đồ uống và thuốc lá; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch. 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm bưu chính, viễn thông và nhóm giao thông.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2025 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 10,54% so với tháng trước; Tăng 37,14% so với cùng kỳ năm trước; Tăng 22,43% so với tháng 12/2024. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 32,85%. Giá USD trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới chủ yếu do nhu cầu mua USD tăng lên. Giá bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.974 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4 tăng 0,97% so với tháng trước; Tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước; Tăng 1,9% so với tháng 12/2024. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá USD tăng 3,52%.

Vốn FDI 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/4/2025 đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 1.204 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,59 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 23,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 26,9%; Các ngành còn lại đạt 697,2 triệu USD, chiếm 12,5%.

Trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng qua, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,6 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; Tiếp đến là Trung Quốc 1,52 tỷ USD, chiếm 27,1%; Nhật Bản 573,2 triệu USD, chiếm 10,3%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 499,9 triệu USD, chiếm 8,9%; Đài Loan 389,6 triệu USD, chiếm 7,0%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 232,8 triệu USD, chiếm 4,2%; Hàn Quốc 148 triệu USD, chiếm 2,6%.

Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 81,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 533,1 triệu USD, chiếm 7,9%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 266,2 triệu USD, chiếm 3,9%.

Cũng theo Cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2025 có 43 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 269,2 triệu USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước; Có 12 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 40,1 triệu USD, gấp 69,1 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 111,2 triệu USD, chiếm 36,0% tổng vốn đầu tư; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 65,6 triệu USD, chiếm 21,2%; Vận tải kho bãi đạt 50,5 triệu USD, chiếm 16,3%.

Đọc thêm