VPF đấu AVG: Vì quyền lợi hay con gà tức nhau tiếng gáy?

Giờ thì người hâm mộ bắt đầu bị rối vì “cuộc chiến truyền hình” có những tiểu tiết vụn vặt và những thông tin loạn cả lên. Bên nào cũng cho rằng mình có quyền, thậm chí những tuyên bố khiêu khích kiểu như “tôi không tin anh Kiên” hay “chả biết AVG là ai” đã được tung ra. Bóng dáng cuộc tỉ thí vì tự ái cá nhân ngày càng rõ...

Giờ thì người hâm mộ bắt đầu bị rối vì “cuộc chiến truyền hình” có những tiểu tiết vụn vặt và những thông tin loạn cả lên. Bên nào cũng cho rằng mình có quyền, thậm chí những tuyên bố khiêu khích kiểu như “tôi không tin anh Kiên” hay “chả biết AVG là ai” đã được tung ra. Bóng dáng cuộc tỉ thí vì tự ái cá nhân ngày càng rõ.

Ghét mà làm

Sau khi bị chỉ trích nhiều lần ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 lẫn toạ đàm sau đó, phía AVG và ông Phạm Nhật Vũ có vẻ “cao tay” hơn hẳn khi chả thèm đáp trả. Phía AVG cứ bình thản làm những việc mình cần làm như liên hệ các ban tổ chức sân để chuẩn bị cho mùa giải mới.

Những động thái này khiến VPF mà cụ thể là bầu Kiên cứ như đấm bị bông, ức càng thêm ức, thế nên mới có chuyện ngay sau khi thành lập VPF, hàng loạt hoạt động khác trong việc tổ chức thi đấu chưa được nhắc đến thì việc phải thương thảo bản quyền truyền hình đã được nhắc đến như ưu tiên hàng đầu. Việc này càng rốt ráo hơn khi bầu Kiên đã không thể thực hiện được lời hứa mùa giải này không có chuyện một ông bầu nắm hai đội bóng.

Đỉnh điểm của việc VPF bị “giang hồ” coi là “bỉ mặt” khi VPF đánh tiếng lẫn làm công văn đề nghị tiếp xúc với AVG để thương thảo lại hợp đồng bản quyền truyền hình, nhưng AVG chẳng buồn hồi đáp. Mãi đến tận ngày 28.12, AVG mới nhóm họp với VFF, đơn vị mà họ coi là đối tác chứ không phải là VPF. Ấy là chưa kể chẳng hiểu bằng cách nào mà bài viết chỉ trích bầu Kiên của ông Phạm Nhật Vũ đã được đăng toàn văn trên vài tờ báo.

Giờ thì cuộc chiến bản quyền truyền hình mang màu sắc cá nhân của các đại gia khá rõ.
Giờ thì cuộc chiến bản quyền truyền hình mang màu sắc cá nhân của các đại gia khá rõ.

Chỉ với hai “đòn” là, không xem VPF chính danh khi bàn việc và nói thẳng “tôi không tin anh Kiên”, người đứng đầu trong việc đòi xét lại bản quyền truyền hình, AVG đã đẩy VPF vào thế thất thủ.

Ghét không chịu được, có lẽ là thế nên sau khi AVG ra thông báo không coi VPF là đối tác trực tiếp của họ, bầu Kiên đã tung ngay văn bản vào ngày 29.12 cho các đài vào sân trực tiếp, với tuyên bố: “Chả biết AVG là ai cả” và rằng “từ nay bản quyền truyền hình thuộc về VPF và các ban tổ chức giải”.

Xin nói rõ, bầu Kiên với chức danh là phó chủ tịch hội đồng quản trị ký văn bản chứ không phải là ông tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn ký theo đúng quy định, điều này càng chứng minh bầu Kiên muốn xác nhận, chính ông đã phản đòn buộc AVG phải dùng đến cả bộ máy nhân sự của mình để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý dai dẳng và tốn kém, điều mà AVG không hề muốn khi đã nắm trong tay bản hợp đồng có giá trị pháp lý.

VFF không thể núp nữa

Đến mãi hôm sau, ngày 30 mới thấy ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xuất hiện ở vai trò “trọng tài”, điều mà lý ra, VFF mà cụ thể là ông Nguyễn Trọng Hỷ, ông Lê Hùng Dũng đã phải làm từ lâu. Thật ra VFF khi ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình cho AVG dài đến 20 năm với giá khởi điểm là 6 tỉ, tăng 10% theo từng mùa bóng đã bị chỉ trích rất nhiều.

Lúc đó dư luận đã đặt thẳng vấn đề phải chăng có những khuất tất khiến một bản hợp đồng dài miên man với giá trị không cao đã được thông qua. Cũng khi ấy ông Lê Hùng Dũng, đại diện VFF đã cho rằng, đó là hợp đồng tối ưu nhất, giá tốt nhất. Vì vậy khi đã ký kết, VFF không thể bỏ mặc AVG đối đầu với VPF bởi một khi kiện, AVG sẽ kiện VFF ra toà án và lên thẳng FIFA vì chính VFF vi phạm hợp đồng.

Cũng cần phải nói một chút về cái lý của bầu Kiên đưa ra, VPF đã được giao toàn quyền khai thác thương mại các giải đấu nên họ được quyền khai thác bản quyền truyền hình là hiển nhiên. Lý do này khá... cùn. Một ví dụ cho dễ hiểu, VFF có mảnh đất, trên đó có vài căn nhà mà VFF đã bán một căn nhà mang tên V-League cho AVG. Giờ VFF có giao cho VPF toàn quyền khai thác thương mại mảnh đất ấy, VPF cũng chẳng có quyền đụng đến V-League. Điều hiển nhiên là VPF buộc phải kế thừa bản hợp đồng mà VFF đã trót ký.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ đã khẳng định: “VFF chưa bàn giao hợp đồng giữa AVG cho VPF. Với những gì anh Kiên và VPF làm, họ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không liên quan đến VFF”. Nhưng nói vậy cũng là vô trách nhiệm, bởi VFF có cổ phần lớn nhất trong VPF kia mà.

Rõ ràng ở cuộc đấu pháp lý, VPF không lợi bằng AVG nhưng muốn thắng được cuộc đấu này, muốn thực thi quyền hiển nhiên đã được ký kết bằng hợp đồng AVG sẽ phải mất công nhiều. Thêm vào đó, khi quyền lợi của nhà tài trợ gắn liền với truyền hình bị xâm phạm, VFF sẽ càng thêm mất uy tín.

Có thể VPF mà cụ thể là bầu Kiên sẽ không thắng nhưng khiến đối thủ vất vả cũng bõ ghét, khiến vụ tranh chấp mang đậm màu sắc cá nhân. Thế nên người hâm mộ cũng chớ vội tin những gì mà các bên “tham chiến” phát biểu cho lành.

Theo SGTT

Đọc thêm