VPF và các CLB tìm 'lối thoát' cho V. League

(PLVN) - Ngày 31/3, VPF sẽ tổ chức cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp cho V.League trong bối cảnh hiện tại. Thành phần cuộc họp gồm: Đại diện Lãnh đạo LĐBĐVN, VPF, Ban điều hành giải, Đại diện Lãnh đạo CLB.
V.League có tiếp tục thi đấu hay không vẫn chưa có quyết định cuối cùng
V.League có tiếp tục thi đấu hay không vẫn chưa có quyết định cuối cùng

Cuộc họp này để tìm hướng đi mới khi V.League khi đang lâm vào bế tắc. Mới đây khi BTC giải đưa ra ý tưởng nếu bệnh dịch được kiểm soát tốt, thì sẽ tổ chức lượt đi của V.League 2020 tập trung ở khu vực phía Bắc và Nam.

Ý tưởng này đã khiến ông chủ của các CLB phản đối, họ cho rằng khi nào Chính phủ ra thông cáo hết dịch thì đá, phần nữa đá trên sân trung lập khiến quyền lợi của các đội bị ảnh hưởng.

Song song đó, việc tổ chức giải đấu trên những khán đài không khán giả càng không thể khiến các trận đấu có chất lượng và đảm bảo quyền lợi của những nhà tài trợ.

Đã có những đề xuất tổ chức ở những sân đấu khu vực Nam Bộ như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh… nhưng thực tế vẫn không nhiều thuyết phục, bởi chắc chắn các đội bóng phía Bắc sẽ không đồng tình vì cũng sẽ viện lý do tốn kém chi phí ăn ở và di chuyển trong một thời gian dài ở phía Nam, đồng thời thương hiệu của CLB sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Tổ chức ở phía Bắc không được, phía Nam càng không xong, vậy giải pháp để tiếp tục đá V.League 2020 sẽ như thế nào. Quyết định sẽ có trong cuộc họp tới đây.

Có ý kiến cho rằng nên hủy giải đấu năm nay,  những nhiều ý kiến của các CLB cho rằng hủy giải đấu CLB sẽ thiệt hại lớn cho CLB khi mà nguồn thu chủ yếu đến từ tài trợ, quảng cáo. Nếu hủy giải đấu và sang năm mới tổ chức, đồng nghĩa các đội bóng đang vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ và cả các cầu thủ.

Cần nói rõ, dù giải đấu không diễn ra vì dịch bệnh, nhưng các CLB vẫn sẽ phải trả lương và những khoản phí lót tay cho cầu thủ theo đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, nếu giải không thể diễn ra, đương nhiên những quyền lợi của nhà tài trợ sẽ không thể tiến hành theo qui định, dẫn đến những vi phạm hợp đồng ngoài mong muốn với những hệ quả rất khó lường.

Theo VPF cho biết, cuộc họp tới đây đưa ra hai hình thức tham dự cuộc họp. Các đại biểu có thể chọn họp trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa.

Hiện chưa có một trường hợp nào là thành viên của các đội bóng được ghi nhận hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Chỉ có Bình Phước và một vài cầu thủ ở đội khác được yêu cầu cách ly do vừa trở về hoặc đi qua những địa phương có dịch bệnh. Điều này cho thấy, các đội bóng đang làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó, VPF đã tiến hành xây dựng kế hoạch thi đấu theo phương thức thi đấu tập trung khu vực. Cụ thể, căn cứ vào số lượng CLB tại các khu vực phía Bắc (7 CLB), Trung (4 CLB), Nam (3 CLB); quãng đường di chuyển thi đấu của các CLB; số lượng SVĐ đạt tiêu chuẩn hiện có ở phía Bắc; Hạn chế nguy cơ lây nhiễm khi các CLB di chuyển bằng máy bay; VPF lựa chọn 7 sân vận động cùng 1 sân dự phòng (Sân Việt Trì).

Theo đó, các CLB sẽ sử dụng những sân vận động dưới đây để làm sân nhà trong thời gian tối đa là hết lượt đi như sau: 

 Sân Hàng Đẫy: Hà Nội, Viettel

Sân Cẩm Phả: Than.QN, SHB Đà Nẵng 

Sân Thanh Hóa: Thanh Hóa, SLNA

Sân Thiên Trường: DNH Nam Định, HAGL 

Sân Lạch Tray: Hải Phòng, Quảng Nam

 Sân PVF: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, B.Bình Dương

Sân Mỹ Đình: Sài Gòn FC, TP.HCM 

VPF cũng dự trù 2 phương án về thời gian có thể trở lại V.League 2020. Phương án 1 là từ ngày 15/4 - 29/5. Phương án 2 là từ ngày 1/5 - 28/6.

Về thể thức thi đấu, các CLB tiếp tục thi đấu vòng tròn (sân nhà - sân khách) theo kết quả bốc thăm từ đầu giải, tất nhiên trong điều kiện không khán giả đến khi dịch Covid-19 được đẩy lùi. 

Phương án khoanh vùng 7 sân này cũng đã được VPF gửi đến 14 CLB để tham khảo và có ý kiến phản hồi muộn nhất vào ngày 28/3.