Khiêng chủ nhà ra đường, hất ban thờ xuống đất
Theo hồ sơ, căn nhà số 6/28 đường Tân Hóa là của tổ tiên để lại cho cha ông Phát là cụ Phan Văn Hòa. Gia đình thống nhất để căn nhà làm nhà từ đường.
Năm 2004, dù lúc này cụ Hòa được xác định già yếu, mất trí nhớ; nhưng một người con đã âm thầm soạn hợp đồng tặng cho riêng mình căn nhà, thế chấp vào ngân hàng. Kết luận giám định tâm thần 62/17/GĐSKTTLLII của Viện Pháp y TW ngày 3/8/2017 khẳng định: “Tại thời điểm cho tặng căn nhà, cụ Hòa bị bệnh mất trí (...), hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Căn nhà sau đó không biết bằng cách nào lại được chuyển sang tên một người phụ nữ. Năm 2009, khi “chủ mới” đến, gia đình mới phát hiện nên khởi kiện tại TAND quận, yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu. Vụ kiện kéo dài nhiều năm, chuyển lên TAND TP HCM thụ lý. Dù theo quy định, tài sản đang tranh chấp không được phép chuyển nhượng, nhưng bằng cách nào đó, căn nhà vẫn được tiếp tục được “chủ mới” chuyển nhượng tiếp cho bà Trần Thị Thanh Kiều (SN 1986) vào năm 2014.
Ngày 19/1/2018, TAND TP HCM tổ chức phiên họp công khai chứng cứ vụ kiện, trong đó có Kết luận giám định tâm thần của Viện Pháp y TW về việc cụ Hòa “bị bệnh mất trí (...), hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
“Ngay buổi chiều, khoảng 14h, có người tự xưng “người thuê nhà”, theo sau là hàng chục thanh niên, có cả nhân viên Cty bảo vệ xông vào, đuổi chúng tôi khỏi nhà, khiêng đồ đạc ra ngoài và hàn, khóa tất cả cửa ra vào, không cho chúng tôi vào nhà”, ông Phát kể lại.
“Chúng tôi gọi điện báo cho UBND và Công an (CA) phường. Phải đến khoảng 20h, có sự can thiệp từ cấp quận, gia đình chúng tôi mới được vào lại nhà”, ông Phát kể.
Ông Phát cho hay vài ngày sau đó, ông Nguyễn Phi Long dù không phải người liên quan đến vụ tranh chấp, nhưng khoảng 18h ngày 22/1/2018 lại xuất hiện cùng nhóm người dáng vẻ bặm trợn phá cổng, la hét, xông vào: “Chúng tôi kéo cửa sắt chặn lại thì ông Long tấn công khiến tôi té ngã, chấn thương cột sống. Thời điểm đó, mẹ tôi là cụ Bùi Thị Ngọ (SN 1930, hiện vừa qua đời - NV) đang ngồi xe lăn, trong lúc hai bên giằng co đụng trúng xe lăn nên mẹ tôi ngã lăn ra đất. Long thấy vậy mới ngừng tay, trở ra ngoài”.
“Sáng hôm sau, 23/1/2018, khi anh trai tôi là Phan Ngọc Hùng (SN 1956) đang ngồi làm trong nhà cùng hai thợ mộc khác, thì nhóm thanh niên do Long dẫn đầu trở lại, xông vào, khiêng anh Hùng ném ra ngoài cổng, đuổi nhóm thợ mộc đi. Mọi người trong nhà chúng tôi từ già đến trẻ cũng bị đuổi ra ngoài đường”.
“Long chỉ đạo nhóm người khóa cổng. Sau đó Long chỉ đạo nhóm thanh niên leo lên nóc nhà đập phá mái và kính cửa sổ, hất tất cả ảnh thờ trên bàn thờ tổ tiên gia đình tôi xuống đất”.
“Gia đình chúng tôi lang thang vạ vật suốt nhiều ngày, gọi điện cầu cứu nhiều lãnh đạo cơ quan chức năng TP HCM. Phải đến ngày 1/2/2018, được lực lượng chức năng đưa về, chúng tôi mới vào lại được nhà”.
Nhóm người do ông Long dẫn đầu đã đuổi cả gia đình ông Phát ra khỏi chỗ ở từ ngày 23/1 đến 1/2/2018. |
CA Quận 11 nói gì về sự việc?
Sau khi sự việc xảy ra, ông Phát làm đơn tố cáo và CA đã lập biên bản hiện trường, tiến hành giám định thiệt hại.
Gần hai tháng sau, ngày 7/3/2018, CA Quận 11 có Văn bản 460/CAQ-HS, khẳng định: “Ngày 23/1/2018, “vợ chồng” Long – Kiều tiếp tục đến, Long đã có hành vi dùng búa, xà beng hủy hoại tài sản tại nhà 6/28 (…) Tại kết luận định giá tài sản 11/KLĐGTS ngày 1/2/2018, kết luận giá trị tài sản bị thiệt hại là 1,48 triệu đồng”.
Trước đó hơn một tháng, từ ngày 5/2/2018, CA Quận 11 đã có Văn bản 259/TB-HS, cho biết đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do: “Hành vi hủy hoại của ông Nguyễn Phi Long không cấu thành tội phạm; hành vi xâm phạm chỗ ở của ông Nguyễn Phi Long và bà Trần Thị Thanh Kiều không cấu thành tội phạm”.
Theo CA Quận 11, ngày 8/2/2018 CA quận đã lập biên bản vi phạm hành chính. Gần một tháng sau, ngày 5/3/2018, CA Quận 11 ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Long “về hành vi hủy hoại tài sản người khác”. Trong văn bản 460/CAQ-HS, CA Quận 11 không nêu rõ ông Long bị phạt theo quyết định xử phạt số bao nhiêu, mức tiền bao nhiêu, căn cứ pháp lý nào.
Ông Phát không đồng ý với nội dung trả lời của CA Quận 11: “Thứ nhất, CA Quận 11 nhiều lần cho rằng Long và Kiều là “vợ chồng”, nhưng chúng tôi khẳng định Long và Kiều không phải vợ chồng tại thời điểm gây án. Thứ hai, CA Quận 11 cũng không thông báo kết quả giám định thiệt hại cho chúng tôi biết ngay; và kết luận thiệt hại tài sản 1,48 triệu đồng, chúng tôi cho rằng chưa chính xác. Thứ ba, dựa vào đâu mà CA Quận 11 nói rằng “hành vi xâm phạm chỗ ở của Long và Kiều không cấu thành tội phạm”?”.
LS Ngô Thị Hoàng Anh (Đoàn LS TP HCM), đánh giá: “Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và các chứng cứ, tôi cho rằng những thắc mắc của ông Phát là có căn cứ. Còn có một bất thường khác là CQĐT phải gửi thông báo kết luận định giá tài sản thiệt hại cho người tố cáo, nhưng tại sao động thái luật định rất quan trọng này lại bị “bỏ quên”?”.
Ông Phát cho hay: “Hơn 3 năm, gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại xử lý nghiêm các đối tượng, nhưng sự việc vẫn “lửng lơ”. Gần đây, được biết ông Nguyễn Phi Long tiếp tục bị một số người tại quận Bình Tân tố cáo cho các nạn nhân vay 35 tỷ, bắt ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng, sau đó chiếm đoạt hai khu đất trị giá gần 200 tỷ; nên tôi tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng, kỳ vọng sự việc của mình sẽ được xem xét điều tra lại một cách đúng pháp luật”
Vẫn lời ông Phát: “Theo dõi cách xử lý vụ án “xâm phạm chỗ ở” xảy ra tại Quận 1 được TAND TP HCM xét xử mới đây; chúng tôi nhận thấy trong vụ án xảy ra với gia đình chúng tôi, có chứng cứ rõ ràng, đầy đủ các clip, nhiều nhân chứng, gây bất bình dư luận địa phương thì lại “chìm xuồng”, đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính; nên chúng tôi cho rằng cơ quan tố tụng Quận 11 áp dụng chưa chính xác pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt người lọt tội trong vụ việc”.