Vụ án tại Bệnh viện Đồng Nai và Cty AIC: Hai lãnh đạo tỉnh bị xác định nhận hối lộ 28 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
Đinh Quốc Thái (bên trái) cùng Trần Đình Thành trong một hội nghị bổ nhiệm cán bộ năm 2016 tại Đồng Nai.
Đinh Quốc Thái (bên trái) cùng Trần Đình Thành trong một hội nghị bổ nhiệm cán bộ năm 2016 tại Đồng Nai.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ban hành kết luận vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Cty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

C03 đã chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố hơn 20 bị can, trong đó có nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh và các cựu lãnh đạo AIC.

Hai bị can từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai gồm Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) và Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ sau gần 1 tháng bị bắt tạm giam.

C03 cũng đề nghị truy tố nhiều bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế), Trịnh Huy Cường (Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng), Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó TGĐ Cty AIC) và nhiều người.

Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Cty AIC) bị xác định có vai trò lớn trong vụ án, tuy nhiên thời điểm C03 tống đạt quyết định khởi tố thì Nhàn đã bỏ trốn.

Kết quả điều tra xác định dự án xây dựng BV Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh phê duyệt mức đầu tư 1.904 tỉ đồng. Giai đoạn 2013 - 2015, dự án có 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Thời điểm xây dựng BV, UBND tỉnh lập BCĐ dự án do Đinh Quốc Thái làm Trưởng Ban; Bồ Ngọc Thu là Phó Ban Chỉ đạo thường trực dự án.

Theo kết luận, Thành và Thái đã nhận số tiền “bôi trơn” để Cty AIC dễ dàng trúng các gói thầu. Cụ thể, Thành và Thái đã nhận hối lộ mỗi người hơn 14 tỷ đồng từ Nhàn.

Từ trước khi dự án được phê duyệt, Nhàn đã nhiều lần gặp trực tiếp hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để đưa “quà” và tiền. Một số lần khi cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đi công tác tại Hà Nội thì Nhàn cũng gặp gỡ và đưa tiền.

Quá trình điều tra, Thành được đánh giá thành khẩn khai báo, có nhiều đóng góp và được nhận nhiều bằng khen trong quá trình công tác. C03 cho rằng đây là những tình tiết giảm nhẹ với Thành trong quá trình truy tố.

Bị can Nhàn và một số bị can đang trốn truy nã.

Bị can Nhàn và một số bị can đang trốn truy nã.

Liên quan vụ án, ngày 11/11, Bộ Công an cũng phát thông báo yêu cầu 8 người bị truy nã trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cty AIC đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoặc cơ quan công an gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo Điều 60 Bộ luật TTHS.

Bộ Công an cho biết, nếu tiếp tục bỏ trốn, người liên quan coi như từ bỏ quyền tự bào chữa. Trường hợp các bị can không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, CQĐT sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định pháp luật.

Đến nay, điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cty AIC, CQĐT đã khởi tố bị can, truy nã Nguyễn Thị Thanh Nhàn theo quy định tại khoản 3 Điều 222 BLHS.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng truy nã 7 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm Trần Mạnh Hà (Phó TGĐ Cty AIC), Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng AIC), Nguyễn Thị Sen (nguyên GĐ Cty CP Thiết bị y tế & Môi trường), Nguyễn Thị Tích (TGĐ Cty CP Mopha), Ngô Thế Vinh (GĐ Cty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên), Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên GĐ Cty TNHH Thành An Hà Nội) và Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa).

Đọc thêm