Việc gây án được tổ chức chặt chẽ
Hồ sơ vụ án Trần Văn Miên (trú tại Phú Thọ) phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” thể hiện rõ, việc bắt giữ bà Nguyễn Thị Phương Nam (quận 4, TP HCM) được tổ chức bài bản, chặt chẽ bởi chủ mưu là Lê Thị Thảo và vai trò giúp sức của Miên, Hinh, Tân, Anh Đức, Đức “tài xế”.
Cụ thể, Thảo trực tiếp gọi điện cho Miên vào TP HCM đòi nợ giúp mình. Sáng ngày gây án – 10/12/2010, Thảo gặp Miên kể rõ mọi việc, cung cấp số điện thoại, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng của bà Nam. Chiều cùng ngày, Miên đã đến chung cư bà Nam ở và gặp Thảo tại đây. Tiếp đến, các đối tượng phối hợp chính xác từng phút, để khi Miên áp sát chiếc xe máy chở bà Nam tại ngã tư đường (trung tâm quận 1) thì đã có ô tô của Thảo chờ sẵn, trên xe còn có Anh Đức và Đức “tài xế”. Thảo xuống xe cùng Miên bắt giữ bà Nam và chỉ đạo cả nhóm dùng ô tô đưa bà Nam đi đến các địa điểm như nhà nghỉ ở quận 12, căn nhà trống gần hồ Trị An (Đồng Nai), Bình Dương.
Việc bắt giữ người còn có vai trò của Tân – bạn cùng quê Nam Định với Miên. Cụ thể, ngay khi đáp máy bay tới TP HCM, Miên gặp và nói với Tân là đi đòi nợ. Tân nói với Miên nếu cần giúp đỡ cứ gọi điện. Sau đó, Tân lái ô tô chở cả nhóm đi lại các địa điểm Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài ra, phải kể đến Hinh, người đòi nợ giúp Thảo. Bởi Thảo từng khai với C45, lúc bắt giữ bà Nam Hinh cũng có mặt. Sau đó bà Nam bị giam giữ tại căn nhà trống của Hinh ở gần hồ Trị An - nơi xa xôi hẻo lánh. Lúc bà Nam bị khống chế tại đây, Hinh yêu cầu nạn nhân trả tiền cho Thảo. Chiều 17/12/2010, Hinh đưa bà Nam về lại TP HCM.
Cơ quan CSĐT (C45) Bộ Công an đã kết luận, Miên, Thảo, Anh Đức phạm tội bắt giữ người trái pháp luật, còn các đối tượng khác thì không đủ căn cứ chứng minh phạm tội. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều, nếu chỉ có Thảo, Miên, Anh Đức thì không thể có màn bắt giữ, cưỡng đoạt tài sản kéo dài suốt 7 ngày “hoàn hảo” như vậy. Còn nếu chỉ một mình Miên thì việc bắt giữ càng không thể. C45 đã trả lời cho câu hỏi này bằng nhận định: “có dấu hiệu “phạm tội có tổ chức”, có nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau cùng tham gia”.
Kết quả, trong 7 ngày bắt giữ, bị đe dọa tinh thần, bà Nam đã phải giao tiền cho Thảo 2 lần. Lần 1 giao 1,5 tỷ đồng ngày 14/12/2010 thông qua tài khoản củaem gái Thảo, lần 2 giao 2 tỷ đồng vào hôm sau và Đức “tài xế” là người trực tiếp nhận tiền theo chỉ đạo của Thảo. Cũng vì quá sợ hãi nên dù đã được thả về, khi Miên yêu cầu chuyển tiền, bà Nam đã chuyển cho hắn 800 triệu đồng (lần chuyển tiền thứ 3).
Cố tình bỏ lọt tội phạm?
Thực tế vụ án và kết quả điều tra cho thấy, bị hại phải giao tiền cho nhóm bắt cóc trái với sự tự nguyện và ý chí bản thân, tức là bị cưỡng đoạt. Hơn nữa, Miên – người bị khởi tố, truy tố ngay từ đầu cũng thừa nhận Thảo là chủ mưu, các đối tượng còn lại kể cả Miên chỉ đi theo giúp sức, mục đích cho Thảo lấy được tiền.
Năm 2014, C45 xác định Thảo có dấu hiệu trong việc chủ mưu, chỉ đạo bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản… Kỳ lạ, đến năm 2015, dù nhiều lần bị hại kiến nghị, Toà trả hồ sơ, C45 và VKSNDTC vẫn chỉ khởi tố, truy tố đối với Miên về 2 tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhiều lần trả hồ sơ mà Thảo vẫn không bị khởi tố, tháng 4/2015, TAND TP HCM đành phải xét xử đối với Miên.
Bản án sơ thẩm lần 1 của TAND TP HCM đã bị TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy vào tháng 10/2015. Toà nhận định, căn cứ lời khai của bị cáo, bị hại và các chứng cứ thì có cơ sở xác định Thảo tham gia bắt giữ người và cưỡng đoạt tài sản. C45 và VKS không khởi tố, truy tố Thảo là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Sau khi C45 nhận hồ sơ điều tra lại và tiến hành khởi tố Thảo và Anh Đức, tháng 5/2017, VKSNDTC ra cáo trạng truy tố Thảo, Anh Đức về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng vẫn để lọt tội (cưỡng đoạt tài sản) đối với Thảo, Anh Đức, đồng thời bỏ sót các đối tượng liên quan.
Tháng 8/2017, TAND TP HCM trong quá trình xét xử 3 bị cáo, đã trả hồ sơ để điều tra làm rõ vai trò của Hinh, Tân, Đức “tài xế” để tránh bỏ lọt tội phạm. Ngày 29/11/2017, VKSNDTC gửi cho bà Nam Văn bản 4900/VKSNDTC-V2, cho rằng bà Nam chuyển tiền cho Thảo trong lúc bị bắt giữ, là trách nhiệm thanh toán nợ giữa các bên, nên không có căn cứ xử lý các bị can về tội cưỡng đoạt tài sản.
Đồng thời cho rằng: “Các bị can chỉ thực hiện tội phạm một lần, không có sự cấu kết chặt chẽ, không có kế hoạch được tính toán và phân công bàn bạc…”. Theo bà Nam, nội dung trên chẳng khác nào bênh vực, gỡ tội cho nhóm tội phạm, bởi nó trái ngược với diễn biến vụ án, các tài liệu chứng cứ và kết luận của C45. Bà Nam đã làm đơn tố cáo người ký công văn trên và yêu cầu VKSNDTC thanh tra, giám sát toàn bộ vụ án.
Khó hiểu hơn, dù khẳng định vụ án có dấu hiệu “phạm tội có tổ chức” nhưng C45 chẳng những không khởi tố các đối tượng liên quan mà còn quyết định đình chỉ 2 bị can Thảo và Anh Đức. Có nghĩa, việc tố tụng chẳng những không làm rõ được nhóm đối tượng giúp sức mà kẻ chủ mưu còn thoát tội. Nhiều ý kiến cho rằng, lý do đình chỉ bị can là không có căn cứ rõ ràng, là cố tình bỏ lọt tội phạm.
Đến tháng 6/2018, dù việc điều tra xử lý nhóm đối tượng gây án Toà đưa ra không được thực hiện như yêu cầu, TAND TP HCM vẫn đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2, lúc này chỉ còn bị cáo Miên. Đại diện bị hại cho rằng, việc Toà trả hồ sơ bản chất là sự “bắt tay” giữa các cơ quan nhằm tạo điều kiện cho kẻ chủ mưu thoát tội bằng việc đình chỉ bị can.
Lần xét xử này, Toà cũng kiến nghị C45 xem xét hành vi của những người liên quan. Như vậy, Tòa trước sau đều nhận thấy vụ án có sự liên quan của Thảo, Hinh, Tân, Đức “tài xế”, Anh Đức nhưng không trả hồ sơ cho VKS yêu cầu truy tố, theo các luật sư là hành vi bỏ lọt tội phạm. Bản án lần này tiếp tục gây bức xúc, khiến bị hại lẫn bị cáo đều kháng án, yêu cầu làm rõ vai trò của chủ mưu và các đồng phạm.