Trọng án ít manh mối
Khuya ngày 14/5/2016, công an huyện Tiên Lãng báo lên phòng PC45 CA TP.Hải Phòng việc trên địa bàn có cháu bé 11 tuổi tên Nguyễn Thị Yến Nhung (ngụ thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết) bị giết vào khoảng hơn 21h. Bé gái bị giết dã man, ban đầu có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Sự việc gây bàng hoàng dư luận.
Xác định đây là vụ trọng án, PC45 đã cử tổ trinh sát gồm 15 đồng chí đến hiện trường phối hợp cùng công an huyện Tiên Lãng truy tìm manh mối. Hiện trường vụ án mạng là căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, cháu bé nằm ngoài sân, không mặc quần, chiếc áo đã kéo lên giữa ngực, đầu có vết máu kéo lê từ nhà đến sân.
Gia đình nạn nhân rất nghèo, bên trong căn nhà rất nhỏ chỉ có một chiếc giường đôi cho các con ngủ. Phía gian ngoài chật hẹp có vài chiếc giá để cuốn thuốc lào, bố mẹ phải ngủ ở sàn nhà. Lúc này hiện trường ban đầu đã bị xáo trộn vì người thân khi biết bé Nhung chết, đã sơ ý bế ra khỏi vị trí ban đầu.
Ngôi nhà nơi xảy ra án mạng |
Trực tiếp Phó giám đốc – Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra CATP Hải Phòng đến tận hiện trường chỉ đạo. Chuyên án 516G được lập với chủ công là lực lượng trinh sát hình sự, Phòng Kĩ thuật hình sự CATP Hải Phòng, công an huyện Tiên Lãng phối hợp điều tra.
Cái khó của vụ án là hiện trường không để lại dấu vết nào. Sau hơn 5 tiếng khám nghiệm ở những nơi nghi phạm có thể cầm nắm như công tắc điện, điều khiển tivi… nhưng lực lượng chức năng không tìm thấy dấu vết nào ngoài vài vết máu. Chỉ có điều chưa thể xác định ngay vết máu là của nạn nhân hay đối tượng gây án.
Nhiều tổ trinh sát được tăng cường, mở rộng tìm dấu vết hiện trường vụ án về phía Tây Bắc, là hướng tình nghi hung thủ bỏ trốn. Tại đây lực lượng CA thu được chiếc quần lót của nạn nhân. Sau khi xác minh từ người thân, khẳng định đó là quần của bé Nhung.
Ngoài ra, gia đình bé gái có nuôi một con chó, nhưng thời điểm trước, trong quá trình gây án, không ai nghe thấy tiếng chó sủa. Từ đây, ban chuyên án nhận định đối tượng gây án có thể là người địa phương.
Ban chuyên án chỉ đạo mở rộng rà soát tất cả các hộ sinh sống quanh đó. Lực lượng trinh sát được tung ra làm việc với 300 hộ dân để tìm manh mối dù là nhỏ nhất. Quá trình rà soát gần hiện trường, cảnh sát tiếp tục xác định được viên gạch đối tượng dùng để đập đầu bé gái. Từ đây, ban chuyên án tiếp tục nhận định đối tượng gây án phải là người trưởng thành, mới cầm nắm được vật có trọng lượng lớn như thế.
“Căn cứ vào hiện trường, có thể thấy 90% hung thủ là nam giới. Bởi theo kết luận phòng kĩ thuật hình sự cung cấp, bé Nhi bị đập 3-4 nhát vào đầu. Khi đã xác định được nguyên nhân gây án, có thể tiếp tục suy đoán đối tượng phải có thù tức với nạn nhân hoặc người thân bé gái, mới hành động như thế”, một lãnh đạo phòng PC45 nhớ lại.
Khám nghiệm tử thi, lực lượng chức năng thấy những chứng cứ có thể đặt ra giả thiết động cơ gây án liên quan đến tình ái. Từ những nghi vấn đó, ban chuyên án rà soát các đối tượng “nổi” từng có tiền án, tiền sự các tội giết người, hiếp dâm, giao cấu với trẻ em. Hướng điều tra thứ hai là những đối tượng có thù hằn với bé gái. Ngoài ra, nhóm đối tượng có bệnh lý xã hội như tâm thần cũng được triệu tập.
Thế nhưng trái ngược với sự điều tra quy mô kỳ công như thế, các mũi trinh sát báo về cho thấy đều không có manh mối gì. Mọi hướng điều tra gần như bế tắc.
Nghi phạm chỉ ngửa mặt lên trời cười
Đến thời điểm này, ban chuyên án chuyển hướng mời 200 đối tượng là nam giới nghi vấn đến làm việc với CQĐT để xác minh tung tích trong quãng thời gian xảy ra vụ án, như làm gì, ở đâu.
Khoảng 60 cán bộ chiến sĩ được tăng cường rà soát, xác minh. Sáng ngày hôm sau, số đối tượng nghi vấn thu hẹp lại còn 50 người. Đến trưa cùng ngày, con số này thu hẹp còn 20 người.
Đặc biệt chú ý đến những người bị trầy xước bàn chân, tay, cảnh sát sàng lọc loại dần, còn lại 6 đối tượng. “Hung thủ dùng vật cứng, nặng để đánh nạn nhân, nên quá trình gây án có thể khiến đối tượng bị thương ở chân, tay”, nhận định của ban chuyên án.
Sáng ngày thứ hai kể từ khi vụ án xảy ra, một người dân thông báo nhìn thấy chiếc áo dính máu ở sọt rác của gia đình bà Phạm Thị Bốn (SN 1976). Qua xác minh, gia đình này có hai người con trai, chiếc áo là của người con thứ hai.
Tuy nhiên, theo người mẹ, con trai cả của bà là Bùi Văn Cường (sinh tháng 2/1998) bị câm, điếc bẩm sinh. Hôm xảy ra vụ án, Cường nói với gia đình đi làm may ở huyện An Lão. Còn người con út mới đi phẫu thuật, bị nhiễm trùng nên dùng chiếc áo đó thấm dịch. Lực lượng chức năng đã kiểm tra thân thể con út bà Bốn thì đúng là người này vừa đi phẫu thuật, có dấu hiệu nhiễm trùng. Manh mối vừa lóe lên, lại đi vào bế tắc.
Trọng án xảy ra đã hai ngày hai đêm, cảnh sát vẫn bám trụ hiện trường, quyết tâm tìm ra hung thủ, trấn an người dân. Đến ngày thứ 4, một cảnh sát bất ngờ nghe một người dân địa phương buột miệng: “Thằng Thắng què giết chứ ai nữa”.
Với vụ án đang bế tắc, đây là manh mối cực kì quan trọng. Đối tượng Thắng “què” được triệu tập. Thắng khai nhận chính mình đã giết nạn nhân. Gia đình nạn nhân trình báo Thắng “què” có mâu thuẫn với bố nạn nhân trong lúc uống rượu trước đây, có chửi nhau. Một số cảnh sát đã thở phào.
Một lãnh đạo PC45 trực tiếp lấy lời khai nghi phạm. Điều tra viên kỳ cựu này sau ít phút đã nhận ra sự bất thường, nghi vấn nghi phạm là đối tượng có vấn đề tâm thần.
Quá trình điều tra có đại diện VKS, CA huyện Tiên Lãng cùng lấy lời khai. Thắng “què” mô tả lại việc trèo vào nhà và lấy viên gạch đập vào đầu bé gái. Tuy nhiên khi cảnh sát hỏi đập như thế nào và tại sao kéo nạn nhân ra sân thì đối tượng lại không trả lời được mà chỉ ngửa mặt lên trời cười.
Suốt cả đêm lấy lời khai, Thắng liên tục xin thuốc lá, hút hết cả gói của người lấy lời khai, nhưng không khai thêm gì. Có đúng Thắng là thủ phạm vụ án? Hay ai đó “độc miệng” mới vu oan cho đối tượng tâm thần này? Vụ án lại rơi vào tình trạng “câu dầm bế tắc”, có nguy cơ trở thành án mờ.
Trong lúc đó tại địa phương, một số người dân bức xúc “yêu sách” nếu CQĐT không tìm ra hung thủ, sẽ không đi bầu cử, tạo áp lực cho lực lượng điều tra. Tới lúc này, hơn 100 cảnh sát hình sự đã được tăng cường cho công an huyện Tiên Lãng.
Thời gian phá án dài ngày, trinh sát ăn nằm ngủ nghỉ ngay tại ủy ban xã, thậm chí ngay tại nhà nạn nhân. Người dân địa phương đồng cảm trước tình cảnh “phơi nắng dầm sương” của lực lượng trinh sát, còn mang gà, trứng vịt lộn hỗ trợ.
Trở lại với đối tượng tình nghi Thắng “què”, theo luật định, phải thả về vì không đủ chứng cứ buộc tội. Trong khi đó viện kĩ thuật hình sự vẫn chưa có kết luận về các vết máu tại hiện trường. CQĐT đề nghị đưa đối tượng Thắng “què” vào bệnh viện tâm thần Đông Khê phục vụ điều tra, theo dõi diễn biến tâm lý đối tượng và người thân.
Lẽ nào phải thử máu 300 nghi phạm?
Sáng sớm ngày thứ bảy kể từ khi xảy ra vụ trọng án, Viện khoa học hình sự xác định mẫu máu tại hiện trường không phải máu nạn nhân.
Ban chuyên án họp cấp tốc, có ý kiến lấy máu hơn 300 người đối xét, nhưng sau đó mọi người cho rằng phương án đó chưa nên sử dụng vì quá đông người như vậy, tới khi nào mới có thể lấy mẫu, xét nghiệm xong. Chỉ nên lấy mẫu mãu những đối tượng “nổi”, đối tượng có mâu thuẫn với gia đình nạn nhân, đối tượng có vấn đề tâm thần. Bùi Văn Cường (sinh tháng 2/1998) là một trong số sáu người bị lấy mẫu máu giám định.
Vừa chờ kết quả xét nghiệm, đồng thời CQĐT làm việc với các nghi phạm nổi cộm này. Sáu đối tượng còn lại lần lượt có đủ căn cứ loại trừ, riêng Cường bị câm điếc bẩm sinh nên không giao tiếp được. Theo nhiều người nhận định, Cường nhìn mặt hiền lành, trông giống thư sinh, không có dấu hiệu gì khả nghi. Lẽ nào phải dùng phương án thử máu cả 300 người?
Cơ quan xét nghiệm được đề nghị khẩn trương kiểm tra trước bảy mẫu máu vừa được gửi. Một điều tra viên kể lại, đến khi ấy đã không trông mong gì nhiều vào việc này, vì nhiều người nghĩ rằng cả bảy người này khó có thể liên quan gì đến vụ án.
Nhưng manh mối phá án đã đến vào phút cuối. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy vết máu tại hiện trường vụ án chính là của Cường, anh trai làng câm điếc bẩm sinh vẻ mặt dường như hiền lành, chỉ biết ú ớ, cười tủm tỉm.
Một nhóm cảnh sát lao đến trường khiếm thính, tìm gặp cô giáo từng dạy và có thời gian đưa Cường về nhà nuôi. CQĐT thuyết phục giáo viên này giúp đỡ giao tiếp với đối tượng. Ngay trong đêm, nữ giáo viên được mời về trụ sở UBND xã Kiến Thiết. Ban chuyên án chưa để cô giáo tiếp xúc ngay với đối tượng.
Cô giáo hỗ trợ CQĐT lấy lời khai Bùi Văn Cường. |
Theo thông tin từ cô giáo, Cường bị câm điếc bẩm sinh, nhìn bề ngoài hiền lành nhưng tính khí rất ngỗ ngược. Đối tượng này từng cầm đầu một số em phá phách ở trường, từng bị đưa ra công an phường Cát Bi. Đối tượng còn “dạy” các học sinh cá biệt cách đối phó với công an là “cứ lắc đầu khi bị tra hỏi”. Bởi vậy cô giáo từng thu nhận Cường về nhà nuôi nhưng cũng bất lực, đành trả về gia đình Cường. Từ những thông tin này, CQĐT nhận định việc Cường giả vờ ngây ngô để trốn tội.
Buổi lấy lời khai của Cường, có trinh sát phòng PC45, đại diện VKSND TP Hải Phòng, CA huyện Tiên Lãng, được bố trí bốn camera ghi hình. Còn có sự chứng kiến của gia đình. Mục đích camera ghi lại quá trình hỏi đối tượng, nhưng đồng thời để căn cứ sau này đối chiếu xem toàn bộ quá trình hỏi cung có chính xác hay không.
Nghi phạm gục đầu bật khóc
Lúc đầu được hỏi, Cường lắc đầu chối tội, khẳng định không biết bé Nhung. Đến gần sáng, CQĐT quyết định “lậy bài ngửa”, nhờ cô giáo ra hiệu thông báo rằng vết máu lưu lại hiện trường đã có kết quả xét nghiệm chính là của Cường. Đối tượng gục đầu bật khóc, bắt đầu khai nhận.
Cường khai tối hôm đó đi xe đạp làm về thì đến trước cửa nhà Nhung gặp thì gặp cô bé ở đường. Cường bị bụi vào mắt nên ra hiệu nhưng bị Nhung mắng. Đối tượng sau đó về nhà tắm rửa, đến tối đi xe đạp qua nhà Nhung, thấy cô bé ở nhà nên trèo tường đi vào.
Cường vào nhà Nhung ra hiệu đùa giỡn nhưng bị bé gái chủ nhà mắng và đuổi ra ngoài. Đối tượng ra ngoài tìm gạch đá. Sau 3 lần chọn lựa, Cường mới lấy được viên lớn đi vào đập vào đầu nạn nhân. Bé Nhung gục xuống tại chỗ.
Hung thủ sau đó cầm chân nạn nhân kéo ra ngoài sân dự định giấu xác sang nhà bên cạnh, nhưng vì thi thể nặng quá không thể bế nổi, nên ngừng lại. Đối tượng cho rằng vào bếp định rửa tay nhưng không biết mở vòi nước nên tụt quần bé Nhung, mục đích lau chùi vết máu, chứ không phải hiếp dâm.
Cường khai, gây án xong đã lấy điện thoại nạn nhân rồi nhảy qua bờ tường đi về nhà, ai ngờ bị rơi lại điện thoại. Trong lúc ném chiếc quần xuống ao, vật này bị vướng vào cỏ. Trên đường về, Cường khai do bị ngã xe nên nhờ người băng bó tay. Ngày hôm sau ngay tại đám tang, Cường vẫn tới dự, vẻ rất thản nhiên.
Nghi phạm còn cho biết thêm trước đó từng trèo vào nhà nạn nhân lấy trộm 5 triệu đồng, từng nhiều lần đến nhà nạn nhân. Cường cho rằng bản thân “thích” bé Nhung. Nghi phạm bị bắt khẩn cấp ngay sau đó.
Hành trình phá trọng án này khiến công an Hải Phòng rút ra thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Phá xong vụ án, CQĐT ngồi họp bàn lại, mới nhận thấy đã từng nghi ngờ Cường, nhưng người băng tay nói Cường bị ngã xe, và vì thế ban đầu Cường “lọt” danh sách tình nghi. Kinh nghiệm để lại là nguồn tin có đúng nhưng cũng có sai, cần kiểm chứng cẩn thận để tránh bỏ sót.
Lãnh đạo PC45 cho rằng quá trình phá án gặp nhiều khó khăn do hung thủ là người câm điếc bẩm sinh, lại có “bề dày” đối phó công an. Kinh nghiệm rút ra là nếu không thể đấu tranh trực diện, không thể truy hỏi đối tượng, cần người có chuyên môn liên quan đến người câm điếc để hỗ trợ. Qúa trình lấy lời khai, không được cho người phiên dịch tiếp xúc ngay với đối tượng mà cần làm việc trước với CQĐT để bàn bạc tìm ra phương thức đấu tranh hợp lý. Đấu tranh với các đối tượng, cũng cần dùng thiết bị kĩ thuật ghi âm, ghi hình để đảm bảo tính khách quan.
Trong quá trình bổ sung chứng cứ sau này, thêm một nhân chứng khai từng nhìn thấy Cường trèo tường vào nhà nạn nhân. Đây là một chứng cứ giúp cảnh sát càng thêm phần chắc chắn Cường chính là hung thủ vụ án.
Cảnh sát cho biết hiện nay Cường có dấu hiệu trầm cảm và suy sụp tinh thần. Hiện CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiếp tục củng cố hồ sơ để sớm đưa nghi phạm ra tòa trong thời gian gần nhất.
(Tên nạn nhân trong vụ án đã được thay đổi)