Sáng 14/5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo khác trong vụ án buôn lậu đất hiếm ở Yên Bái bước sang phần tranh luận.
Phát biểu bản luận tội với các bị cáo, đại diện VKS nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến hoạt đông khai thác, kinh doanh xuất khẩu khoáng sản quặng đất hiếm và cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép.
Mặc dù quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính phủ chặt chẽ nhưng các bị cáo vẫn không chấp hành mà cố ý thực hiện những sai phạm.
Theo VKS, với các bị cáo quản lý, đáng lẽ ra với chức năng nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, các bị cáo phải là người tham mưu “gác cổng” cho Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái về việc cấp phép.
Các bị cáo ở Sở TN&MT Yên Bái với chức năng nhiệm vụ của mình biết và phải biết Cty Thái Dương có nhiều sai phạm trong khai thác nhưng vẫn báo cáo nhận xét Cty này đã chấp hành các quy định pháp luật để gia hạn cho tiếp tục khai thác trái phép gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng.
|
Đại diện VKS tại tòa. |
Hành vi của 27 bị cáo cần có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, VKS cũng xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho các bị cáo.
Ngoài ra theo VKS, quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng cần ghi nhận lời khai về bối cảnh phạm tội cho các bị cáo. Tại tòa các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, có thành tích trong công tác, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng…
Trong đó, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc có nhiều đóng góp cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường; cùng cộng đồng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu; kêu gọi, ủng hộ, điều hành các bộ tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt; được một số cơ quan, tổ chức gửi đơn đến tòa, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, VKS xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội để bị cáo có cơ hội tiếp tục cùng Hội nước sạch và môi trường Việt Nam nghiên cứu khoa học để mang lại lợi ích cho đất nước…
Về dân sự, theo VKS, trị giá tài nguyên là hơn 736 tỷ đồng, bị cáo Đoàn Văn Huấn là người chiếm hưởng nên buộc bị cáo phải khắc phục. Các bị cáo đã khắc phục hơn 13 tỉ đồng. Vì vậy, VKS đề nghị Tòa án buộc bị cáo Huấn nộp 712 tỷ đồng, phần còn lại các bị cáo Lưu Vũ, Lưu Anh Tuấn cùng phải khắc phục.
Mức án đề nghị cụ thể với các bị cáo:
· Tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”:
1. Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo
2. Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài Nguyên và Môi trường: 5-6 năm tù
3. Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Khoáng sản, Bộ Tài Nguyên và Môi trường: 3 năm 6 tháng-4 năm 6 tháng tù
4. Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái: 3 năm 6 tháng-4 năm 6 tháng tù
5. Lê Công Tiến, cựu Phó giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái: 30-36 tháng tù
6. Bùi Đoàn Như, cựu Chi cục phó Bảo vệ Môi trường, sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái: 24-30 tháng tù
7. Lê Duy Phương, cựu chuyên viên chính Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài Nguyên và Môi trường: 4-5 năm tù
· Tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; “Gây ô nhiễm môi trường”:
1. Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Thái Dương: 12-15 năm tù
· Tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”:
1. Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty CP tập đoàn Thái Dương: 8-10 năm tù
· Tội “Buôn lậu”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”:
1. Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam: 16-18 năm
· Tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”:
1. Đặng Trần Chí, Giám đốc công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát: 3-4 năm tù
2. Phạm Thị Hà, kế toán công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát: xử phạt bằng thời gian tạm giam
3. Trương Thị Hiển, kế toán Công ty CP Đất hiếm Việt Nam: xử phạt bằng thời gian tạm giam
4. Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Sơn Anh Phú Thọ: 24-30 tháng cho hưởng án treo
5. Đoàn Hải Nam, Trưởng phòng vật tư công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương: 24-30 tháng tù
6. Đỗ Khánh Toàn, Phó giám đốc công ty TNHH Atexim: 24-30 tháng tù
· Tội “Buôn lậu”:
1. Đỗ Hạnh Hương, Phó giám đốc, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam: 6-7 năm tù
2. Phạm Xuân Hậu, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty CP Đất hiếm Việt Nam: 24-30 tháng tù
3. Phạm Thị Yến, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty CP Đất hiếm Việt Nam: 5-6 năm tù
4. Nguyễn Thanh Đoàn, Phó giám đốc công ty CP Thương binh Trường Sơn: 30-36 tháng cho hưởng án treo
5. Vũ Thị Tuyết, lao động tự do: 30-36 tháng tù
6. Trần Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics: 30-36 tháng tù
7. Trần Như Hoàng, nhân viên công ty TNHH Dương Liễu Logistics: 24-30 tháng tù
· Tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”:
1. Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú thuộc Công ty CP tập đoàn Thái Dương: 2-3 năm tù
· Tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”:
1. Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc), Giám đốc Công ty TNHH HUYHUANG: 7-8 năm tù
· Tội “Gây ô nhiễm môi trường”:
1. Nguyễn Văn Lai, Phó giám đốc điều hành xưởng nghiền thuộc Công ty CP tập đoàn Thái Dương: 30-36 tháng tù
2. Lê Văn Cẩn, Quản đốc xưởng thủy luyện đất hiếm thuộc Công ty CP tập đoàn Thái Dương: 24-30 tháng tù cho hưởng án treo