Mấy ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao trước việc làm khó hiểu và vô văn hoá của một cô gái được cho là Việt kiều Mỹ, khi cô này đột nhiên lột váy trước mặt các chiến sĩ CSGT (tại chốt khu công nghiệp Vân Trung, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên- Bắc Giang) khi bị yêu cầu dừng xe…
Một số luật sư cho rằng hành vi của cô gái đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt Hành chính hoặc khởi tố Hình sự về tội Chống người thi hành công vụ- tuỳ vào mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Theo khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999, Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:“ Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”
“Đối với tội Chống người thi hành công vụ, hành vi của đối tượng gây án có thể diễn ra dưới nhiều hình thức: dũng vũ lực, giằng co với lực lượng chức năng hoặc có hành động, lời nói xúc phạm nhằm cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ của mình."
Như vậy, nếu cô gái Việt kiều trước đó đã có hành vi điều khiển xe ô tô vượt quá tốc độ cho phép và sai làn đường, khi bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra lại có hành vi cởi phăng váy đang mặc nhằm mục đích làm cho lực lượng CSGT lúng túng và mất bình tĩnh không xử lý được vụ việc thì có thể coi đây là một dạng cản trở người thi hành công vụ. Nói cách khác, hành động của cô gái đã có dấu hiệu của tội Chống người thi hành công vụ”- Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích.
|
Không hiểu đây là hành động "khoe hàng" của cô gái hay cố ý cản trở hoạt động bình thường của CSGT ?(ảnh minh hoạ từ Internet) |
Trước đây, tại Nghị định 73/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội đã dành hẳn một điều luật để điều chỉnh hành vi “vi phạm quy định về nếp sống văn minh”.
Điều luật này nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; Có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng…”.
Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến trái ngược nhau nên từ khi Nghị định 167/2013 ra đời (thay thế cho Nghị định 73/2010) thì các hành vi “vi phạm quy định về nếp sống văn minh” nói trên đã bị loại ra ngoài sự điều chỉnh của pháp luật.
Thay vào đó, Điều 5 của Nghị định 167/2013 có liệt kê một loạt hành vi được coi là “vi phạm quy định về trật tự công cộng” và sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đơn cử như các hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác. Mức phạt sẽ tăng lên từ 2- 3 triệu đồng nếu có hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Cùng mức chế tài trên (2-3 triệu đồng), Điều 20 của Nghị định này cũng áp dụng đối với hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.
Theo Luật sư Lê Ngọc Hà, hiện rất khó lý giải vì sao cô gái đi trên chiếc xe ô tô hiệu Kia lại tự nhiên lột đồ rồi để thân hình trần như nhộng (chỉ còn chừa lại chiếc quần lót) trước mặt CSGT và bàn dân thiên hạ. Không hiểu đây là hành động nhằm “khoe hàng” hay cố ý cản trở hoạt động bình thường của lực lượng thực thi công vụ?
“Chỉ có thể coi đây là hành động khó hiểu, phản cảm và không thể chấp nhận được của một con người có thần kinh bình thường. Điều đó đã gây nên dư luận không tốt về mặt đạo đức xã hội”.
Luật sư Hà phân tích thêm, nếu cô gái này chỉ cởi đồ trong thời gian rất ngắn sau đó mặc lại và xin lỗi lực lượng chức năng, đồng thời không gây sự chú ý của người đi đường thì không sao. Nhưng nếu hành vi của cô gái đã gây sự chú ý của người đi đường, khiến mọi người tò mò dừng phương tiện để xem, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và khó khăn cho lực lượng CSGT thì đối tượng có thể bị xử lý hành chính về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ theo Điều 20 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
“Với những thông tin mà báo chí đã phản ánh thì tôi nghiêng về việc xử lý hành chính đối với “hành vi lạ” của cô gái nhiều hơn”- Luật sư Hà nhận định.