Vụ hối lộ11 tỷ đồng: Nhiều luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra lại

(PLO) - Trong phần tranh luận tại tòa chiều ngày 26/10, một số luật sư bảo vệ cho các bị cáo đề nghị HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Bởi theo họ, cáo trạng truy tố chưa đúng với hành vi phạm tội của các bị cáo, thậm chí có bị cáo còn bị oan.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Phạm Hải Bằng cựu Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt RPMU đề nghị Tòa trả hồ sơ điều tra lại. Vị luật sư này cho rằng bị cáo Bằng không phạm tội nhận hối lộ theo như cáo trạng truy tố.

Trước đó, trong quá trình xét xử, bị cáo Bằng luôn quanh co, chối tội. Từ đầu phiên xử, bị cáo Bằng nói số tiền 11 tỷ đồng nhận từ JTC là tiền hỗ trợ nhưng đến cuối lại nói đó là số tiền RPMU chi hộ.

Nghe bị cáo Bằng nói vậy, HĐXX nói: Bị cáo nói số tiền 11 tỷ đồng là chi hộ? Vậy JTC có yêu cầu RPMU quyết toán hàng tháng cho họ không? Có ai ném tiền ra cho người khác tiêu mà không cần báo cáo không? Người ta có điên không? Người ta bay hàng nghìn km sang đây chỉ để đưa tiền cho các ông tiêu à”? "Nếu là chi hộ, bị cáo giải thích thế nào về một số mục chi bị cáo duyệt: tiền mua máy tính, tiền hỗ trợ chuyển văn phòng…”. Đáp lại là tiếng lí nhí đòi giải thích của bị cáo Bằng. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận lời giải thích ấy.

Cũng khai tại Tòa, bị cáo Nguyễn Nam Thái (SN: 1977) nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3 thuộc RPMU khai mình thực hiện nhiệm vụ quán xuyến chi tiêu trong phòng do JTC họ hỗ trợ theo lệnh của Bằng. Để khách quan, HĐXX hỏi bị cáo Bằng về mối quan hệ với Thái thì nhận được câu trả lời: “Bị cáo với Thái là đồng nghiệp tốt. Trong chuyên muôn Thái là cấp duới của bị cáo, là anh em tốt” – bị cáo Bằng trả lời HĐXX.

Bị cáo Phạm Quang Duy (SN: 1975), Nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt RPMU cũng khẳng định bị cáo Bằng là người cho mình biết về khoản tiền 11 tỷ đồng của JTC. “Ngoài việc nhận một khoản tiền trước khi kí hợp đồng thì những lần nhận sau anh Bằng là người trực tiếp nhận tiền, rồi đưa bị cáo quản lý. Hầu như các khoản chi tiêu đều có dự trù để anh Bằng duyệt. Khoảng 1 tháng, cùng lắm 2 tháng thì bị cáo báo cáo anh Bằng” – bị cáo Duy khẳng định.

Đến lượt mình, luật sư bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Nam Hiếu cũng cho rằng lời khai của các bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn. Không có sự thống nhất trong việc đưa và nhận tiền giữa Nguyễn Nam Thái và Bằng. Do đó vị luật sư này đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Hiếu.

Trong khi đó, luật sư Hằng Nga lại cho rằng bị cáo Trần Văn Lục bị oan vì khi JTC đưa tiền cho RPMU thì bị cáo Lục đã chuyển công tác (Lục chuyển công tác tháng 9, tháng 12 RPMU mới nhận tiền của JTC). Tiếp lời, luật sư Hằng Nga khẳng định trong vụ án này không có ai là người bị thiệt hại, JTC cũng không yêu cầu trả lại số tiền 11 tỷ thì cũng không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

“Đây là tiền của JTC, họ tự nguyện ủy quyền cho RPMU thực hiện một số công việc mà họ không thể trực tiếp thực hiện được. Hơn nữa trong lời khai của bị cáo Duy cũng cho thấy Lục không biết, không chỉ đạo việc nhận tiền của JTC” – luật sư Hằng Nga nói.

Khi được HĐXX hỏi,  bị cáo Nguyễn Nam Thái (SN: 1977) nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3 thuộc RPMU, cho rằng có nhiều chi tiết truy tố mình là chưa thỏa đáng. “Trong cáo trạng có nêu bị cáo nhiều lần nhận tiền trực tiếp từ JTC và Phạm Hải Bằng để chi tiêu là không chính xác. Bị cáo không nhớ mình nhận bao nhiêu tiền nhưng số lần nhận thì chỉ có một thôi” – bị cáo Thái nói.

Tiếp lời, Thái còn kể về việc mình khắc phục hậu quả vượt cả số tiền mình được hưởng lợi hơn trăm triệu đồng, đồng thời mong HĐXX xem xét cho hành vi phạm tội của mình…

HĐXX sẽ tiếp tục phần tranh luận vào sáng ngày mai 27/10./.

Đọc thêm