Vũ khí 'chưa từng có' cả Nga và Triều Tiên đều manh nha phát triển

Sự tồn tại của những vũ khí chưa từng có mà Nga và Triều Tiên đang phát triển chứng tỏ đối đầu dưới nước sẽ có thể bước sang 'kỷ nguyên mới'.

Vũ khí chưa từng có cả Nga và Triều Tiên đều manh nha phát triển, đối đầu dưới đại dương sẽ sang 'kỷ nguyên mới'? KCNA

Ngày 19/1, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm những cải tiến mới nhất của Haeil-5-23 (Sóng Thần) - vũ khí tấn công dưới nước không người lái có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.

'Sóng Thần' Haeil-5-23 là gì?

Haeil-5-23 là vũ khí do Viện Hệ thống vũ khí dưới nước thuộc Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên phát triển, được Bình Nhưỡng tiết lộ lần đầu vào hồi tháng 4/2023.

Theo các chuyên gia, Haeil-5-23 được thiết kế để tấn công bất ngờ vào vùng biển của đối phương bằng cách tạo ra những cơn sóng thần phóng xạ cực mạnh thông qua các vụ nổ dưới nước.

Chính đặc điểm này khiến Haeil-5-23 không giống những vũ khí hải quân thông thường, mà trở thành mối đe dọa vô hình và tiềm tàng nguy hiểm hơn cho đối phương.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), vũ khí này vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Một nhà nghiên cứu về Triều Tiên nói với AFP: “Xét trình độ khoa học quốc phòng của Triều Tiên và thực tế là loại vũ khí này vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nó chưa đến lúc gây ra mối đe dọa đáng kể”.

Mặc dù vậy, cũng có người coi động thái của Bình Nhưỡng là dấu hiệu của việc triển khai vũ khí này cho các hạm đội hải quân.

Dù thế nào, sự tồn tại của Haeil-5-23 tỏ rõ quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc phát triển các chiến lược mới và mở rộng khả năng quân sự, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.

Về cuộc thử nghiệm Haeil-5-23, Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố: "Thế trận phản công dựa trên vũ khí hạt nhân dưới nước của quân đội chúng tôi đang được hoàn thiện hơn nữa".

Vũ khí mở ra "kỷ nguyên mới' của đối đầu dưới đại dương?

Không chỉ có Triều Tiên, Nga đang phát triển vũ khí tương tự, có tên Poseidon - một loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công các thành phố ven biển và các cơ sở hải quân.

Ngư lôi hạt nhân Poseidon có tốc độ di chuyển tới 200km/giờ, tầm hoạt động tới 10.000km với độ sâu lên đến 1.000m nhờ hệ thống cung cấp động lực là lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ với các công nghệ đặc biệt.

Lò phản ứng này cung cấp năng lượng mạnh hơn các dòng lò hạt nhân trên các tàu ngầm hạt nhân hiện đại, nhưng lại nhỏ gọn hơn hàng trăm lần.

Với tầm hoạt động 10.000 km, kết hợp với phương tiện chuyên chở chiến lược, siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon có thể tấn công bất kỳ vị trí ven biển nào trên thế giới.

Tạp chí quân sự Army Recognition đánh giá: “Phạm vi tấn công không giới hạn khiến ngư lôi Poseidon trở thành mối nguy cơ lớn đối với tất cả các mục tiêu ven biển. Ngoài ra, Lầu Năm Góc coi vũ khí mới của Nga là mối đe dọa đối với các nhóm tàu sân bay”.

Sự nguy hiểm của thiết bị lặn Poseidon chính là đầu đạn nhiệt hạch nó mang theo. Với sức công phá lên tới 2 Megatone (theo nhiều nguồn tin lên tới 10 Megatone), ngư lôi Poseidon có thể hủy diệt bất kỳ khu vực nào trong bán kính vài km.

Theo tạp chí quân sự Topwar, Poseidon có thể gây ra một vụ nổ ngoài khơi tạo ra sóng thần phóng xạ cao hàng chục mét, đủ để nhấn chìm bất kỳ cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự nào ở ven biển.

Sự tồn tại của những vũ khí chưa từng có như Haeil-5-23 hay Poseidon đang chứng minh rằng, việc đối đầu dưới nước sẽ có thể bước sang một "kỷ nguyên mới".

Bên cạnh đó, đây là lời nhắc nhở cộng đồng quốc tế luôn cảnh giác và chủ động duy trì an ninh toàn cầu, cũng như tiếp tục thúc đẩy các biện pháp đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.

Vũ khí tấn công dưới nước không người lái là loại vũ khí hoạt động dưới nước, có khả năng phát động tấn công mà không cần sự can thiệp của con người.

Sóng thần phóng xạ do các vụ nổ dưới nước giải phóng mức độ phóng xạ nguy hiểm.

Đọc thêm