“Thoát chết sau một trận cuồng phong năm 2011, Onalin Gonzales chuẩn bị ra làm nhân chứng trước Ủy ban Nhân quyền Philippines. Cô nói: “Tôi cảm thấy hơi hồi hộp, nhưng đối với tôi giờ đây việc đứng ra làm nhân chứng là điều rất quan trọng. Tôi muốn biết ai là người có trách nhiệm về tất cả những trận cuồng phong ập xuống đất nước chúng tôi”.
Cách nay bảy năm, Onalin Gonzales mất cả cha lẫn mẹ và hai người anh em trai. Tất cả đều thiệt mạng do bão. Cô cho biết thêm: “Đối với tôi, trận bão ấy có những hậu quả về tài chính rất lớn, cho đến tận ngày hôm nay, không kể đến các chấn thương tâm lý vẫn còn đó”.
Người phụ nữ nói trên nằm trong số 18 người Philippines thoát chết, trong đó có nhiều ngư dân, nhà nông. Tất cả đều là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Họ là những người đã tham gia vào vụ khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền Philippines, với sự hướng dẫn của tổ chức Greenpeace.
Theo luật sư Roberto Cadis, thành viên của Ủy ban Nhân quyền Philippines, đây là vụ kiện đầu tiên trên thế giới coi vấn đề biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực nhân quyền. Và đây cũng là một vụ kiện đầu tiên được chấp nhận đưa xét xử trước một tòa án về nhân quyền.
Một điểm đặc biệt khác của vụ kiện này là những người ký đơn khiếu nại đòi hỏi bồi thường từ các công ty như Shell, BP hay Total… Tổng cộng có 47 tập đoàn đa quốc gia - bị cáo buộc gây ô nhiễm nhiều nhất - đã bị chỉ đích danh…
Đơn khiếu kiện này là dấu hiệu cho thấy phong trào vì công lý khí hậu đang phát triển mạnh hơn. Cách nay năm năm, các vụ kiện cáo như thế này hoàn toàn khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, giờ đây, công luận trên thế giới ngày càng đòi hỏi phải có công lý. Và tiến trình sâu xa này chắc chắn sẽ không ngừng lại.
Đầu năm 2019, đã có một số tập đoàn chấp nhận tham dự một phiên tòa diễn ra ở Hà Lan. Đây là một phiên tòa kín. Về phần mình, Ủy ban Nhân quyền Philippines sẽ đưa ra kết luận trong năm tới”.