Vụ “lâm tặc” Quảng Bình tàn sát rừng gỗ quý: Kiểm lâm “có cũng như không” trên con đường gỗ lậu về xuôi

(PLVN) - PLVN vừa có các bài viết phản ánh tình trạng vùng rừng Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình rộng hàng chục ngàn ha bị nhiều đối tượng tổ chức đưa người, máy móc ngang nhiên ồ ạt vào khai thác gỗ quý trái phép. 

Hàng trăm “công trường gỗ lậu” ngổn ngang khắp nơi không chỉ phản ánh trách nhiệm của chủ rừng là Lâm trường Trường Sơn (đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại). Dư luận còn bức xúc đặt ra câu hỏi kiểm lâm đã làm gì khi rừng ồ ạt “chảy máu”?

Một bãi gỗ gõ ngổn ngang trong rừng Trường Sơn
Một bãi gỗ gõ ngổn ngang trong rừng Trường Sơn 

Những người dẫn đường đều khẳng định, với số lượng “sếp” (những người tổ chức đưa “lâm tặc” và máy móc vào rừng làm gỗ-NV) và cách thức khai thác như vậy thì bình quân mỗi ngày, khoảng 20m3 gỗ bị cưa xẻ đưa ra khỏi rừng. Với mỗi tháng hơn 15 ngày “hành nghề”, số lượng gỗ quý bị khai thác trộm trong khoảng một năm qua lên đến hàng nghìn m3.  

Những rừng gỗ cổ thụ sau khi bị tàn sát, cưa xẻ thành hộp vuông vức sẽ được “bo” đến điểm tập kết để vận chuyển đi ngay. Gỗ hộp chủ yếu sẽ được bốc lên các xe tải cỡ lớn đang đợi sẵn để chở thẳng về xuôi chỉ bằng một con đường độc đạo.

Mục tiêu hướng đến của “lâm tặc” là các loại gỗ quý như: Gõ, lim, huệng, chua, táu… Đặc biệt gõ và lim là hai loại gỗ có giá trị mua bán thuộc tốp đầu, được thị trường rất ưa chuộng.

Gỗ gõ sẽ được cưa xẻ thành hộp kích thước khoảng 2,2m chiều dài; độ dày ít nhất 10cm; rộng từ 30cm. Còn có những hộp gõ chuông vuông 40cm, dài 2,5m trở lên. Đặc biệt, có những lô gõ “khủng” giá tại Quảng Bình đã lên đến vài trăm triệu dùng cho việc đóng tràng kỷ, sập gụ, thậm chí là chiếu ngựa với mặt rộng mỗi tấm lên đến hơn 80cm.

Với lim, là loại gỗ chủ yếu được cưa xẻ để phục vụ nhu cầu làm khung ngoại, cống, ván cửa, trụ cầu thang… kích thước dài từ 1,4-3,2m, dày 6cm trở lên và mặt rộng phải hơn 15cm. Một người chuyên mua bán gõ và lim ở Trường Sơn cho rằng có những những lô gỗ lim giá hàng tỷ đồng, chiều dài 5-6m, đường kính hơn 22cm, dùng làm cột nhà, đã được chuyển ra Bắc.

“Lâm tặc” đưa gỗ lậu từ sâu trong rừng ra ngoài rồi vận chuyển về xuôi chỉ bằng một con đường duy nhất. Đó là đường 11 (Đường tỉnh 563) nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (ngã ba cầu Zìn Zìn, xã Trường Sơn) về đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch).

Trên tuyến đường chiều dài chỉ khoảng 30km này có đến 3 trạm chốt chặn có barie của các lực lượng liên ngành kiểm tra, kiểm soát lâm sản gồm kiểm lâm, lâm trường và biên phòng. Trong đó vai trò quan trọng nhất trên tuyến là chốt liên ngành tại Trạm Bảo vệ rừng Khe Đen, nơi được xem là “cửa khẩu” để hàng ngàn m3 gỗ lậu Trường Sơn có về xuôi được hay không.

“Cửa khẩu” Khe Đen, nơi liên ngành đóng chốt có barie
 “Cửa khẩu” Khe Đen, nơi liên ngành đóng chốt có barie

Tại Trạm này, thường trực mỗi ngày có ít nhất 1 tổ với 5 cán bộ gồm 2 người của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1 (Đội KLCĐ số 1), 1 người của Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình) và Lâm trường Trường Sơn, Đồn Biên phòng Làng Mô mỗi đơn vị 1 cán bộ. Vai trò chủ trì tổ liên ngành được giao lực lượng kiểm lâm. Khi tình hình được cho là cần thiết, số cán bộ còn tăng lên. Nhưng kỳ lạ thay, gỗ lậu vẫn về xuôi “vô tư” như chốn không người.

Quá trình xác minh, tìm hiểu của chúng tôi ghi nhận, với tổ liên ngành tại Trạm Khe Đen, lực lượng biên phòng và lâm trường chỉ làm nhiệm vụ đơn giản là “phối hợp”, còn gỗ lậu có lọt qua hay không sẽ thuộc “quyền quyết” của kiểm lâm. Chính xác ở đây là Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh (phụ trách địa bàn, giám sát lâm trường) và đặc biệt là Đội KLCĐ số 1 với nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, ngăn chặn các vi phạm trong quản lý rừng và quản lý lâm sản.

Từng xảy ra vụ phá rừng lim xôn xao dư luận với khối lượng gần 100m3 vào tháng 3/2019 đã bị phát giác tại tiểu khu 329 của chính Lâm trường Trường Sơn. Nhưng rồi việc xử lý chỉ hướng đến chủ rừng. Vậy kiểm lâm đã ở đâu khi rừng bị phá nghiêm trọng, gỗ bị mất? “Nếu mất rừng mà chỉ xử lý chủ rừng thì sinh ra kiểm lâm để làm gì? Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm khi lực lượng này có cơ động, thanh tra; có lực lượng đông với đầy đủ nghiệp vụ đóng trên các địa bàn, tại sao không tuần tra, kiểm soát?”, một người đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở Quảng Bình (xin giấu tên-NV), chia sẻ.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc. 

Đọc thêm