Vụ 'lâm tặc' tàn phá rừng Hóa Sơn: Sự thật bị che giấu

(PLO) - Cả đoàn liên ngành gồm bảo vệ rừng, kiểm lâm của nhiều đơn vị đã vào rừng kiểm tra khi có thông tin rừng bị phá. Nhưng 12 người vào rừng chỉ kiểm tra sơ sài rồi trở về, báo cáo sai sự thật và che giấu việc rừng đang bị “lâm tặc” tàn phá ồ ạt.
Rừng Hóa Sơn như một “công trường” gỗ lậu của “lâm tặc”.
Rừng Hóa Sơn như một “công trường” gỗ lậu của “lâm tặc”.

Liên tục những ngày qua, Pháp luật Việt Nam đã có các bài viết: “Lâm tặc” tàn phá rừng đệm Di sản Phong Nha: Đường đi ngập gỗ lậu”; “Lâm tặc” tàn phá rừng đệm Di sản Phong Nha: Tận mắt “công trường” khai thác gỗ lậu” và “Xót xa nhìn rừng Hoá Sơn, Quảng Bình bị “lâm tặc đại phẫu” để phản ánh tình hình ở rừng Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Loạt bài đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc. Dư luận xót xa trước việc rừng tự nhiên vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới – Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng bị “lâm tặc” tàn phá không thương tiếc và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của chủ rừng, kiểm lâm cùng các lực lượng liên quan.

Kiểm tra cho “có lệ”?

Ngày 30/10/2016, sau khi có thông tin về việc rừng Hóa Sơn bị “lâm tặc” khai thác gỗ trái phép, một đoàn liên ngành đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thành lập để vào vùng rừng (của Chi nhánh Lâm trường Minh Hóa quản lý) để kiểm tra. Đoàn do Phó chi cục trưởng Nguyễn Văn Duẩn làm trưởng đoàn và 11 cán bộ khác của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) số 1,  Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2, Chi nhánh Lâm trường Minh Hóa và Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (đơn vị thuộc Ban Quản lý vườn này).

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, khoảng 10h trưa 30/10, đoàn kiểm tra liên ngành gồm 12 cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng này xuất phát ở thôn Tăng Hóa (địa bàn dân cư cuối cùng của xã Hóa Sơn) để vào rừng, đến khoảng 16h cùng ngày, đoàn đã về lại cầu treo Tăng Hóa.

Chúng tôi liên lạc lại với người đàn ông dẫn đường cho phóng viên thâm nhập vào rừng những ngày trước, người này khẳng định: “Cả đoàn 12 người vào rừng với thời gian như vậy là chỉ đi cho có lệ, chứ sao gọi là kiểm tra(!?). Bởi chỉ riêng ra vào rừng, nếu đi nhanh cũng đã mất gần 4 giờ đồng hồ. Vùng rừng này rộng cả ngàn hecta, ở cả ngày trong rừng cũng chưa thể đo đếm hết số cây đã bị triệt hạ, vài tiếng đồng hồ thì chẳng ăn thua”.

Một lượng gỗ lớn được cắt, sẻ để dễ vận chuyển ra bên ngoài.
Một lượng gỗ lớn được cắt, sẻ để dễ vận chuyển ra bên ngoài.

Báo cáo sai tình hình

Ngày 31/10, khi Pháp luật Việt Nam khởi đăng loạt bài viết: “Lâm tặc” tàn phá rừng đệm Di sản Phong Nha”, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 915/STTTT-BCXB gửi Chi cục Kiểm lâm ngay trong ngày này và đề nghị kiểm tra, xác minh và chỉ đạo giải quyết vấn đề Báo nêu, sớm hồi đáp thông tin để ổn định dư luận. Ngày 1/11, Chi cục Kiểm lâm đã có Văn bản số 1359/KL-TTPC gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Thông tin và Truyền thông cùng nhiều cơ quan liên quan để giải trình thông tin của Pháp luật Việt Nam.

Văn bản này nêu rõ, đoàn đã “kiểm tra theo các tuyến đường mòn và các nhánh xương của tiểu khu 142 và tiểu khu 143; sử dụng máy GPS để xác định tọa độ các gốc chặt…”. Nhưng theo nguồn tin riêng chúng tôi, đoàn liên ngành kiểm tra, đo đếm chỉ trong khoảng 1,5 giờ đồng hồ ở tiểu khu 142 – nơi rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Với thời gian cả đi và về tầm 6 giờ đồng hồ, việc kiểm tra chỉ riêng tiểu khu 142 (rộng hơn 730ha – PV) đã không thể hết. Ở tiểu khu 143 thì đoàn chưa hề kiểm tra.

Cụ thể, hơn cả chục người chỉ đi kiểm tra theo tuyến đường mòn chính giữa rừng và chỉ đo đếm các cây nhìn thấy hai bên chứ không triển khai kiểm tra hiện trường theo tuyến đường xương cá nhỏ. Trong khi đó, trong chuyến xâm nhập rừng Hóa Sơn trước đó, phóng viên ghi nhận và kiểm đếm được số cây (có giá trị lấy gỗ) bị “lâm tặc” khai thác lên đến hàng trăm. Nhưng báo cáo của kiểm lâm lại khẳng định chắc chắn: “Qua kiểm tra phát hiện: 8 gốc chặt cụ thể…” và “Mở rộng kiểm tra các khu vực xung quanh không phát hiện gì thêm” (!?).

Phóng viên Pháp luật Việt Nam bên một cây gỗ lớn mà lâm tặc vừa cắt đổ xuống giữa rừng.
Phóng viên Pháp luật Việt Nam bên một cây gỗ lớn mà lâm tặc vừa cắt đổ xuống giữa rừng. 

Giấu giếm nạn gỗ lậu “nóng” ở Hóa Sơn

Văn bản 1359 khẳng định: “Số cây bị chặt hạ lấy gỗ là do người dân địa phương khai thác làm nhà ở và mục đích khác phục vụ nhu cầu tại chỗ khu vực tái định cư di dời do sạt lở thuộc thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn”. Nhưng thực tế, nhiều tháng trở lại đây, nạn “lâm tặc” tung hoành ở Hóa Sơn rất “nóng”. Chiều 21/9, qua nguồn tin báo, lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiến hành chốt chặn tại thôn Đa Năng (xã Hóa Sơn), kiểm tra xe ôtô loại 16 chỗ mang BKS 73B-002.01 do Đinh Minh Tưởng (trú thôn Tăng Hoá) điều khiển, vận chuyển trái phép 20 hộp gỗ gội (thuộc nhóm IV với tổng khối lượng khoảng 1,5m3) từ xã Hoá Sơn ra bên ngoài tiêu thụ.

Tưởng và một số đối tượng khác ra lời đe dọa, rồi dùng kiếm, ống tuýp sắt tấn công vào lực lượng kiểm lâm. Chưa dừng lại, các đối tượng hung hãn lái xe chở gỗ lậu đâm thẳng vào xe ô tô của kiểm lâm nhằm tẩu thoát nhưng xe này bị mất lái lao xuống ruộng, các đối tượng đã mở cửa thùng xe và kéo gỗ ra ngoài. Trong quá trình giằng co, một đối tượng khác là Đặng Quốc Thướng (trú thôn Đa Thịnh, xã Hóa Hợp) hô hét người dân làm đồng gần đó và nhiều đối tượng khác đến đe dọa, dàn hàng ngang khống chế kiểm lâm để thay nhau bốc toàn bộ số gỗ lên xe máy và một ôtô khác BKS 73C-000.04 để tẩu tán. Tiếp đó, các đối tượng cùng nhau đẩy xe 16 chỗ lên đường, rồ ga chạy đi.

Rồi chiều 6/10, cũng trên con đường độc đạo vào Hóa Sơn này, lực lượng kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục chặn bắt xe ô tô 16 chỗ ngồi biển số xanh 74B – 0050 do Đinh Xuân Duẩn (trú xã Hóa Sơn) vì hành vi vận chuyển hơn nửa khối gỗ lậu. Duẩn không chấp hành mà liều lĩnh lái xe tẩu thoát. Kiểm lâm buộc phải dùng súng bắn cảnh cáo để dừng phương tiện. Duẩn đã dùng nhiều lời lẽ thóa mạ và đe dọa kiểm lâm…

Đó là chưa kể nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu khác từ xã Hóa Sơn ra ngoài tiêu thụ, lực lượng kiểm lâm vườn Phong Nha – Kẻ Bàng tiến hành vây bắt nhưng không thành công vì lộ thông tin. Tình hình gỗ lậu ở Hóa Sơn “nóng” đến vậy, nhưng dường như chỉ có kiểm lâm VQG là “mặn mà”, còn lực lượng Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn (Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa), Trạm Bảo vệ rừng Hóa Sơn (Lâm trường Minh Hóa) thì lại quá thờ ơ, lơ là và có dấu hiệu tiếp tay cho “lâm tặc”.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Đọc thêm