Theo cáo trạng, khoảng tháng 2/2010, Lâm Phúc Hùng truy cập trang mạng của Cty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHT Đông Nam Á), thấy quảng cáo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa cấp với gói sản phẩm đặt phòng du lịch dành cho 2 người ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới với giá rẻ.
Hùng đã in nội dung trên đưa Phạm Hồng Thanh (49 tuổi, ngụ quận Đống Đa) dịch sang tiếng Việt. Sau đó, Hùngi rủ Phạm Thị Thủy (43 tuổi, ngụ quận Ba Đình) liên hệ đặt thử mua gói dịch vụ này và tham gia hệ thống ĐHT. Sau khi lôi kéo một số người tham gia, Hùng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Du khách do mình làm chủ nhiệm, Thanh và Thủy làm Phó Chủ nhiệm.
Cuối tháng 2/2010, Hùng, Thanh, Thủy đi sang Hong Kong gặp Hsueh Cho Ting (người điều hành mạng của ĐHT trên Internet) tìm hiểu, thỏa thuận phương thức dụ dỗ, lôi kéo khách hàng tham gia nộp tiền đặt phòng du lịch trên Internet thông qua CLB Du khách.
Cả ba tự soạn thảo ra các tài liệu dùng để quảng bá, tuyên truyền, vận động người khác tham gia mua gói dịch vụ đặt phòng với nội dung như sau. Nếu một người muốn mua gói dịch vụ đặt phòng (4 ngày 3 đêm cho 2 người ở khác sạn hoặc Reorts từ 3 đến 5 sao ở Việt Nam các nước khác thuộc hệ thống đối thác ĐHT) thông qua CLB Du khách thì phải nộp 340USD.
Chính sách trả thưởng được chúng quảng cáo là: khi một người tham gia vào hệ thống sẽ được xếp vào 1 “Bàn du khách” (bàn vàng). Khi bàn này đủ 15 người tham gia, ai ở vị trí bàn trưởng sẽ được thưởng 1.000 USD vào ví điện tử của mã ID đồng thời người này được chuyển sang “Bàn kim cương” (bàn đỏ) và được tách làm 2 “bàn vàng” khác. Khi đủ 64 người thì trưởng “bàn đỏ” lại được “bật bàn” để quay lại tham gia vào một bàn đỏ khác và nhận được 15.000, trong đó có 10.000 USD được chuyển vào ví điện tử…
Người tham gia được quảng cáo “càng vận động được nhiều người tham gia hệ thống ĐHT thì càng leo lên vị trí cao và được hưởng nhiều hoa hồng hệ thống”…
Tài liệu điều tra cho thấy việc kinh doanh đa cấp trên mạng Internet trên là không có thật vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài, tiền thưởng khi “thoát bàn” đều là tiền ảo trả vào ví điện tử, việc trả tiền thật thực chất do nạn nhân trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước. Người tham gia trước lôi kéo được nhiều người tham gia sau thì được thưởng theo cấp độ bằng tiền ảo trong ví điện tử. Muốn lấy tiền thật thì phải lôi kéo thêm người tham gia để bán tiền ảo lấy tiền thật từ người tham gia sau nộp vào.
Thế nhưng Hùng và 8 đồng bọn vẫn tích cực quảng bá thông tin không đúng sự thật trên để bán các gói sản phẩm dịch vụ du lịch đặt phòng nhằm chiếm đoạt tiền của những người tham gia. Tính đến tháng 12/2011, Hùng và đồng bọn đã chiếm đoạt được khoảng 80 tỷ đồng của gần 11.000 người.
Quá trình điều tra, CQĐT đã căn cứ danh sách tham gia hệ thống ĐHT tại CLB Du Khách, ĐHT Đông Nam Á… để mời những người này đến trình báo và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đến nay, CQĐT đã ghi được 986 lời khai của các bị hại và đại diện cho nhóm bị hại. Các bị hại đều khẳng định các bị cáo đã quảng bá không đúng sự thật để lôi kéo họ tham gia, việc đăng ký đặt phòng đi du lịch là không thể thực hiện được. Nếu họ không lôi kéo thêm người khác tham gia vào hệ thống thì trong một thời gian nhất định họ sẽ mất toàn bộ số tiền đã nộp
Hôm qua (18/7) Hùng và 8 đồng phạm gồm Nguyễn Thị Bắc (SN 1959); Phạm Hồng Thanh (SN 1967); Nguyễn Thị Ái Dân (SN 1954); Phạm Thị Thúy (SN 1973); Đỗ Trang Đoan (SN 1976); Bùi Đức Cường (SN 1985); Lê Hữu Thinh (SN 1976); Lê Văn Trọng (SN 1974, đều ngụ Hà Nội) đều bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tại buổi khai mạc phiên tòa, mới chỉ có khoảng 200 bị hại trong số gần 1.000 bị hại có mặt. Tuy nhiên, HĐXX quyết định vẫn tiến hành xét xử. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 5/8./.