Vẫn nhập hàng triệu đô
Các lô mỹ phẩm nhập ngoại này được định danh dưới mã hàng số 34.01 gồm các sản phẩm và chế phẩm hữu cơ hoạt động bề mặt dùng để làm sạch da, ở dạng lỏng hoặc dạng kem và đã được đóng gói để bán lẻ, có hoặc không chứa xà phòng.
Theo cơ quan Hải quan, trong năm 2015, đã có 27,6 triệu USD trị giá các lô mỹ phẩm đã được Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp nhập về trong nước để tiêu thụ. Đáng ngạc nhiên, kể cả khi Bộ Y tế ban hành lệnh thời hạn công bố và lưu thông các sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất gây mẫn cảm nói trên thì lượng mỹ phẩm được nhập về vẫn không giảm.
Theo tính toán sơ bộ của Tổng cục Hải quan, đến hết quý I/2016, vẫn có 6,5 triệu USD hàng hóa mỹ phẩm làm sạch da, gần bằng 30% tổng lô mỹ phẩm được nhập về trong nước để đưa ra thị trường tiêu thụ trong năm ngoái.
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, ngày 13/4/2015, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản cập nhật và quy định lại hàm lượng một số chất sử dụng trong mỹ phẩm trong đó có các chất MIT và MCT.
Theo văn bản này, thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu sẽ được tính đến hết ngày 1/7/2015. Còn đối với các sản phẩm chưa đáp ứng quy định mới chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016. Tuy nhiên, tới cận ngày cấm lưu thông, Bộ Y tế bất ngờ có văn bản kéo dài thời hạn được phép tiêu thụ trên thị trường các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn đến hết tháng 11/2016.
Động thái ra văn bản lùi thời hạn thu hồi, gia hạn thêm 7 tháng trước khi cấm lưu thông hoàn toàn khiến dư luận nghi ngờ Cục Quản lý Dược đang tiếp tay cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết các sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất mẫn cảm tới tay người tiêu dùng. Và việc cho phép gia hạn cũng có liên quan tới hàng chục triệu USD các lô sản phẩm mỹ phẩm nhập về trong nước thời gian qua. Nhiều người thậm chí nghi ngờ có lợi ích bất chính nào đó đằng sau các động thái này?
Đặc quyền cấp phép của Cục Dược
Vai trò trách nhiệm của cơ quan hải quan ở đâu trong sự việc này? Trao đổi với PLVN, phía Tổng cục Hải quan cho biết, mới đây Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 6577 ngày 13/4/2015 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, Viện Kiểm nghiệm Trung ương, TP HCM, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; nhưng không thấy gửi Tổng cục Hải quan về việc cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm.
Lý do dẫn tới sự việc trên, vì theo quy định, hoạt động nhập khẩu, việc nhập khẩu mỹ phẩm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 của Bộ Y tế. Còn về thủ tục hải quan thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và các văn bản liên quan.
Theo đó, căn cứ Điều 35 Thông tư số 06/2011/TT-BYT nói trên, các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận là được thông quan.
“Căn cứ quy định hiện hành, trường hợp mặt hàng mỹ phẩm chứa chất bảo quản MIT và hỗn hợp MCT + MIT có thời hạn công bố đến hết ngày 1/7/2015 thì cơ quan Hải quan căn cứ Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận để xem xét thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Sau thời hạn 1/7/2015, Cục Quản lý Dược không cấp phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho mặt hàng nói trên thì cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng này”, phía cơ quan Hải quan giải thích.