Vừa qua, mạng xã hội xôn xao về một clip được ghi bởi camera giám sát thể hiện diễn biến vụ xô xát tại một tiệm cắt tóc ở phường Đề Thám (TP Cao Bằng), tỉnh Cao Bằng). Theo đó, có 3 nam giới (trong đó có một người mặc quần áo công an) di chuyển bằng ô tô đến tiệm cắt tóc. Một người mặc quần áo công an và một người mặc áo sơ mi trắng đã xuống lôi kéo một nam thanh niên trẻ (mặc áo vàng) ở tiệm cắt tóc lên xe ô tô nhưng bị những người có mặt ngăn cản. Khi hai bên đang giằng co, người đàn ông mặc áo trắng đã tát mạnh vào mặt nam thanh niên và xô đẩy cô gái tại tiệm cắt tóc.
Trong quá trình giằng co, tranh luận sau đó, người đàn ông mặc áo trắng đã tát cô gái 2 cái khá mạnh vào mặt với thái độ khá hung hăng.
Theo chia sẻ của anh K (chủ tiệm cắt tóc) với báo chí thì tối 28/4, anh rủ bạn bè (trong đó có chị M.K và bạn trai) đến quán cắt tóc, cũng là nhà anh tại phường Đề Thám để ăn uống. Lúc này, chị M.K nhận được điện thoại của một bác sĩ, báo đến phòng khám để khám. Thấy đã muộn, bạn trai chị M.K lấy điện thoại để hẹn lịch vào hôm khác. Lúc sau thì bác sĩ cùng 2 nguời khác (trong đó có người mặc quần áo công an) đi ô tô đến lôi kéo, quật ngã bạn trai của chị M.K rồi bắt mà không hề có giấy tờ. Diễn biến vụ việc sau đó đúng như hình ảnh clip lan truyền trên mạng xã hội
Người hành hung phụ nữ sau đó được xác định là một Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng.
Trao đổi với PV về những vấn đề pháp lý xung quanh sự việc trên, Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, theo diễn biến vụ việc qua clip thì có thể thấy, người đàn ông mặc áo trắng đã có hành vi tát, đẩy người phụ nữ một cách hung hăng, đồng thời còn có hành vi lôi kéo người đàn ông ở tiệm tóc ra ô tô, trái với mong muốn của người này trong khi không có việc xuất trình giấy tờ thể hiện lệnh bắt giữ hay giấy mời làm việc.
|
Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú. |
“Nếu đúng đây một sỹ quan công an thì tôi cho rằng cần có hình thức xử lý thích đáng vì hành vi này đã đi ngược lại với kỷ luật Công an nhân dân và xâm phạm quyền công dân của người khác được pháp luật bảo vệ. Ngoài việc xử lý theo quy định của ngành thì cần xem xét, xác định hành vi của người đàn ông trên có dấu hiệu hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Bắt giữ người trái pháp luật” hay không” - LS Tú cho biết.
Cũng theo LS Tú, việc có khởi tố hình sự trong vụ việc này hay không cần dựa vào nhiều căn cứ khác nhau, như: đơn tố cáo, giám định thương tích của người bị đánh; lý do, nguyên nhân dẫn đến sự việc...
Về các quy định liên quan đến bắt giữ người, LS Tú cho biết, dù thực hiện tạm giữ người theo thủ tục hành chính hay thủ tục hình sự thì người thi hành cần phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Đơn cử, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì các trường hợp bắt người gồm: bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp...
Những trường hợp bắt giữ người ngoài trường hợp quy định đều là vi phạm, xâm phạm đến quyền tự do, nhân phẩm, danh dự của công dân, cần phải bị xem xét, xử lý.