Trong bản tin này, Tổng cục Đường bộ cho biết, qua phân tích tình hình vi phạm từ hộp đen cho thấy, tháng 2/2018, toàn quốc đã có 164.051 lần xe vi phạm tốc độ. Trong đó, lực lượng chức năng đã đã xử lý 930 trường hợp, thu hồi phù hiệu thời hạn một tháng với 669 xe, đình chỉ khai thác tuyến một tháng với ba xe, từ chối cấp phù hiệu 258 xe.
Phạt oan nếu căn cứ thông số “hộp đen”
Vấn đề ở chỗ sau loạt bài phản ánh về sự việc máy bắn tốc độ của CSGT và “hộp đen” của ngành vận tải “vênh” nhau, cơ quan đo lường và đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (C67) đều đã khẳng định kết quả đo tốc độ của “hộp đen” là không chính xác, không có giá trị pháp lý. Vậy vì sao Tổng cục Đường bộ vẫn sử dụng kết quả này để “phạt” tài xế?
Theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định trước ngày 1/7/2015, tất cả xe taxi, xe đầu kéo sơ mi, rơ moóc bắt buộc phải lắp đặt “hộp đen”. Trước ngày 1/1/2016, đến lượt xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; trước ngày 1/7/2016 với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn; phải tuân thủ quy định trên.
Trong các thông số “hộp đen” ghi nhận, bắt buộc phải cung cấp về Tổng cục Đường bộ thông số về tuyến, lộ trình, tốc độ. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp vận tải dùng “hộp đen” để quản lý lái xe không chạy vượt tốc độ. Và nhiều DN vận tải phản ánh họ thường bị các Sở GTVT căn cứ vào kết quả tốc độ do Tổng cục Đường bộ gửi về “đếm lỗi” vi phạm tốc độ và thông báo có thể bị xử lý vi phạm bằng thu hồi phù hiệu xe, đình chỉ khai thác tuyến, từ chối cấp phù hiệu. Về bản chất, những hình thức xử lý này gây thiệt hại cho doanh nghiệp không khác gì hình thức xử phạt hành chính.
Thế nhưng như loạt bài PLVN đã phản ánh, trả lời của Viện Đo lường Quốc gia và Cục CSGT đều khẳng định kết quả tốc độ do “hộp đen” ghi nhận không có giá trị pháp lý. Chức năng đo tốc độ của “hộp đen” không chính xác. Thiết bị chưa được cơ quan chuyên môn kiểm định.
Vậy câu hỏi đặt ra là Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT các tỉnh, thành lâu nay dựa vào kết quả tốc độ “hộp đen” ghi nhận được để xử lý vi phạm các doanh nghiệp vận tải liệu có đúng luật, khách quan và chính xác chưa?
“Ai thắc mắc thì bảo người ta đến đây”
Để làm rõ thắc mắc trên, PLVN đã liên hệ qua điện thoại với ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, đặt lịch làm việc. Ông Bình nói: “Ai thắc mắc thì bảo người ta đến đây”. Về vấn đề độ lệch kết quả tốc độ giữa “hộp đen” với máy đo tốc độ của CSGT, ông Bình nói: “Cái đó là bình thường, camera của CSGT ghi nhận tốc độ tức thì, còn tốc độ trên “hộp đen” là trung bình”. Ông Bình cũng xác nhận nhận thiết bị đo tốc độ của CSGT đã được đo lường kiểm định nên đúng.
Vậy “hộp đen” đã được cơ quan chức năng hiệu chuẩn chưa? “Hiệu chuẩn nhưng hoàn toàn có thể sai số”, ông Bình trả lời.
Ngày 17/5, PV đã mang đầy đủ Thẻ Nhà báo, Giấy Giới thiệu của cơ quan đến liên hệ tại Văn phòng Tổng cục Đường bộ. Cán bộ văn phòng tiếp nhận giấy tờ, yêu cầu tóm tắt những nội dung cần trao đổi để chuyển đến đơn vị phụ trách trả lời. Khi được hỏi khoảng bao lâu có được lịch hẹn làm việc, cán bộ văn phòng không hẹn nhưng photocopy các giấy tờ và hướng dẫn PV có thể lên thẳng Văn phòng Vụ Vận tải. PV lên và gọi điện cho Vụ trưởng Trần Quang Bình thì vị này trả lời “đang đi công tác, cứ liên hệ qua văn phòng”.
Đến ngày 21/5, PV nhận được cuộc điện thoại của một người phụ nữ giới thiệu công tác ở Vụ Vận tải, nói có tiếp nhận giấy giới thiệu, yêu cầu PV phải làm công văn gửi sang mới có căn cứ trả lời, dù đã được PV giải thích yêu cầu này là vi phạm Luật Báo chí.
Sau nhiều ngày chờ đợi không thấy hồi âm, PV đã mang vấn đề trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Bộ trưởng Thể một lần nữa hướng dẫn PV sang gặp Tổng cục Đường bộ.
Sau đó PV liên lạc với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ. Ông này gửi cho PV số điện thoại của Tổng cục phó Phan Thị Thu Hiền. PV tiếp tục liên lạc với bà Hiền, nói rõ nội dung cần trao đổi và mong muốn được sắp xếp một lịch hẹn làm việc trực tiếp. Tuy nhiên bà Hiền nhắn tin từ chối, yêu cầu PV gửi câu hỏi vào email để “nghiên cứu”. Ngày 30/5, PV đã gửi nội dung cần trao đổi vào email bà Hiền nhắn và nhắn tin thông báo đã gửi câu hỏi.
Tuy nhiên đến ngày 6/6, PV vẫn không nhận được bất kỳ hồi đáp nào từ vị Tổng cục phó cũng như bộ phận nào của đơn vị này. Như vậy từ lúc sang Văn phòng Tổng cục Đường bộ liên hệ công tác tới thời điểm hiện tại đã gần một tháng, nhưng vấn đề bạn đọc quan tâm, cơ quan này vẫn né tránh khó hiểu.
Còn nhớ chỉ mới cách đây mấy ngày khi đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã hứa với cử tri sẽ giao Tổng cục Đường bộ rà soát, làm rõ làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm. Tuy nhiên chỉ một vấn đề nêu trên, khi báo chí đề nghị thông tin mà Tổng cục Đường bộ còn ứng xử như vậy, thì liệu một người dân, một doanh nghiệp còn bị ứng xử như thế nào? Và thử hỏi chỉ một việc trên Bộ trưởng đã chỉ đạo mà Tổng cục Đường bộ còn chưa làm, thì những nhiệm vụ khác “Tư lệnh” ngành giao, liệu Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện ra sao?
Hay phải chăng trong sự việc này, bấy lâu nay Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT một số tỉnh, thành biết dựa vào kết quả tốc độ “hộp đen” để “xử lý vi phạm” các doanh nghiệp vận tải là sai luật, thiếu khách quan, nên mới tránh né báo chí như thế?.