Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ông Bình, VKSNDTC còn truy tố 4 bị can khác nguyên là các lãnh đạo ngân hàng, nguyên thành viên tổ giám sát của NHNN gồm: ông Hà Tấn Phước, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Long An; ông Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó Tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM; ông Lê Văn Thanh, nguyên Chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An, nguyên thành viên Tổ giám sát; ông Ngô Văn Thanh, nguyên thành viên Tổ giám sát, nguyên là Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An.
Theo cáo trạng, năm 2005, ông Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN. Tháng 2/2012, ông ta được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của Chính phủ, tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau đổi tên thành VNCB).
Tháng 8/2012, ông Bình ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB với nội dung: “NHNN kính trình Thủ tướng Chính phủ: chấp thuận chủ trương việc Trustbank thực hiện tái cơ cấu…”. Trên cơ sở đề nghị trên, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo số 1350 với nội dung: “Thống đốc NHNN phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới đầu tư vào Trustbank và sau khi tái cơ cấu, ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, đáp ứng các quy định về bảo đảm tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng”.
Để thực hiện chủ trương nêu trên, đầu tháng 9/2012, Cơ quan giám sát NHNN có tờ trình về việc tái cơ cấu Trustbank gửi Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng như điều kiện với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức mới thành lập ngân hàng. Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu trên mà bút phê vào tờ trình với nội dung: “Việc kiểm tra góp vốn sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của chính NHNN”. Sau đó, ông Bình đã ký Công văn 652 về việc chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank gửi Ngân hàng này.
Bên cạnh đó, ngày 14/6/2013, nguyên Phó Thống đốc NHNN còn ký Thông báo 153 thông báo ý kiến kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu Trustbank thừa nhận lộ trình triển khai phương án còn chậm chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu còn hạn chế. Dù vậy, ngày 2/7/2013, ông ta vẫn ký Công văn 440 về việc chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu Trustbank.
Theo cáo trạng, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do NHNN trình Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, không thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, tạo điều kiện cho Danh vào quản lý, nắm giữ, điều hành Trustbank… dẫn đến hậu quả Ngân hàng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm… Theo báo cáo tài chính VNCB năm 2012, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế gần 9.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 5.800 tỷ đồng…
Tại cơ quan điều tra, bị can Đặng Thanh Bình không nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình. Ông Bình chỉ thừa nhận Văn bản 652 về việc chấp thuận chủ trương cho nhóm cổ đông mới tham gia tái cơ cấu Trustbank là trên cơ sở Thông báo 153 của Văn phòng Chính phủ và nội dung Tờ trình số 1024 của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
Các bị can khác, theo cáo trạng nêu, người thì nói do năng lực hạn chế, công việc phức tạp, không hiểu hết được ý đồ, thủ đoạn của Phạm Công Danh và Phan Thành Mai; người thì nói khi phát hiện sai phạm của Trustbank, Tổ giám sát có báo cáo NHNN nhưng việc báo cáo chưa kịp thời và kiến nghị chưa đầy đủ...
Theo cáo trạng, bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền 3.454 tỷ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại là 6.591 tỷ đồng, bị can Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại là 3.454 tỷ đồng, bị can Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỷ đồng.