Được miễn tội vì non trẻ và thiếu kinh nghiệm?
Trong thời gian vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam có nhiều bài phản ánh vụ án oan khi Cơ quan điều tra khởi tố ông Trần Minh Anh, nhà đầu tư chứng khoán, trong vụ tranh chấp về việc mượn giấy tờ để mở tài khoản và sử dụng tài khoản chứng khoán. Ngoài ông Trần Minh Anh ra, còn có 3 nhân viên của Công ty CP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bị khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đó là anh Vũ Cao Nguyên, chị Phạm Thị Bích Vân, Nguyễn Thị Quỳnh, các giao dịch viên trực tiếp thực hiện nghiệp vụ mở tài khoản và cho khánh hàng rút tiền liên quan đến tài khoản mang tên Bùi Thị Minh.
Các nhân viên của Công ty BVSC bị khởi tố về hành vi “cố ý” để ông Trần Minh Anh rút tiền từ tài khoản mà ông đã mở tại BVSC nhưng mang tên bà Bùi Thị Minh. Theo Kết luận điều tra ban đầu, việc để cho ông Trần Minh Anh mở tài khoản, rút tiền là trái với các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, chị Vân phải chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại là 1,324 tỷ đồng, anh Vũ Cao Nguyên chịu trách nhiệm đối với thiệt hại 2,19 tỷ đồng còn chị Quỳnh phải chịu trách nhiệm về thiệt hại 1,367 tỷ đồng. Tất cả đều bị khởi tố về khoản 3, với mức hình phạt cao nhất của tội danh này.
Nhưng, rất bất ngờ, trong kết luận điều tra bổ sung, sau khi Công ty BVSC nộp 1,5 tỷ đồng cho Cơ quan điều tra thì nhận xét, đánh giá của Cơ quan điều tra lại khác hẳn. Vẫn chứng cứ đó nhưng theo bản Kết luận điều tra bổ sung ngày 12/7/2010, Cơ quan điều tra lập luận “các bi can Quỳnh, Vân, Vũ Cao Nguyên có hành vi không làm đúng trách nhiệm được giao, sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” nên đã để ông Trần Minh Anh mở tài khoản mang tên Bùi Thị Minh và rút tiền gần 3 tỷ 50 triệu đồng từ tài khoản này. Với nhận định trên thì các bị cao Vân, Quỳnh và Nguyên đã không phạm tội “cố ý làm trái… gây hậu quả nghiêm trọng” vì chỉ thiếu trách nhiệm do “sơ hở và thiếu sót”.
Lẽ ra với đánh giá này thì phải tuyên bố các bị can là vô tội. Song, Cơ quan điều tra đã thống nhất với VKSND tối cao “tha tội” theo khoản 1, điều 25 Bộ luật hình sự cho các bị cáo trên vì sự “non trẻ và thiếu kinh nghiệm” lại tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra. Còn ông Trần Minh Anh, vì không nộp tiền “khắc phục hậu quả” và kiên quyết không thừa nhận việc tranh chấp tài khoản chứng khoán là có tội nên tiếp tục bị giam cầm.
|
Một phiên giao dịch (ảnh minh họa) |
Bị hại phải … khắc phục hậu quả
Cục diện “tốt đẹp” của 3 bị can nêu trên không phải là điều bất ngờ nhất của vụ án mà sự bất ngờ đến khó hiểu trong vụ án này là việc cơ quan điều tra đã làm một việc ngược đời: nhận tiền khắc phục hậu quả của… bị hại. Thông thường, trong các vụ án hình sự, bị hại là người được nhận tiền khắc phục hậu quả chứ không phải là người đem tiền đi nộp cho người khác.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã hoán đổi vị trí bị hại, Công ty BVSC trở thành bị hại chứ không phải bà Bùi Thị Minh. Theo quy định của pháp luật, khi đã là bị hại thì sẽ được “bị cáo” bồi thường và không phải trả tiền cho ai cả. Nhưng, Cơ quan điều tra đã thu giữ 1,5 tỷ đồng của Công ty BVSC nộp “khắc phục hậu quả” để trả cho bà Bùi Thị Minh, người có quyền lợi liên quan. Trước đó, theo gia đình ông Trần Minh Anh đã phản ánh, Cơ quan điều tra yêu cầu họ nộp số tiền này.
Kết luận điều tra bổ sung cũng thể hiện rằng, cùng với việc nộp 1,5 tỷ đồng, “bị hại” đã có công văn xin bảo lãnh và miễn truy tố cho các nhân viên của mình. Sau khi nhận tiền của bị hại, các quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho 3 bị can “may mắn” trên được ban hành.
Bản kết luận điều tra bổ sung đã phần nào làm sáng tỏ những góc khuất của vụ án. Thực tế, những nhân viên của BVSC đã làm đúng quy trình khi mở tài khoản và khi cho khách hàng rút tiền. Họ đã đối chiếu chữ ký mẫu với chữ ký trong các lệnh rút tiền, kiểm tra giấy tờ tùy thân và người đến giao dịch. Thấy tất cả “khớp” nhau thì buộc phải thực hiện giao dịch chứ họ không có cớ gì mà không làm theo lệnh của khách hàng.
Đối với người tiếp tục bị giam cầm là bị can Trần Minh Anh, kết luận điều tra bổ sung không “bổ sung” được vấn đề gì làm thay đổi bản chất của tranh chấp tài sản giữa ông và mẹ vợ. Khi được cho phép sử dụng giấy tờ tùy thân của bà Bùi Thị Minh, ông Trần Minh Anh đã mở và làm chủ tài khoản mang tên bà Minh. Tài khoản trên là “của anh hay của tôi”, lẽ ra cần được tòa phân định theo luật về tranh chấp sở hữu. Song, khi tranh chấp chưa được giải quyết và vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu tài sản thì chủ thật của tài khoản đã bị bỏ tù. Vụ án “hồn Chương Ba, da Hàng thịt” này có thể trở thành kỳ án năm 2010.
Trần Hoàng Tuấn
Những diễn biến mới của vụ án đã được các luật sư đặc biệt quan tâm. Đây là vụ án chứa đựng trong nó những vấn đề nổi cộm trong khiếu nại tư pháp hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm ĐLS Bắc Giang về những vấn đề này.
Thưa Luật sư, là người quan tâm đến vụ án này, ông có đánh giá gì về việc các bị can là nhân viên của BVSC được tha tội?
Với họ, đây là điều may mắn vì dẫu sao, họ không phải đối mặt với án tù dành cho tội danh mà mức án lên đến 20 năm tù.
Song, đọc kết luận của cơ quan điều tra, tôi thấy đó là quyết định đình chỉ điều tra là không đúng pháp luật. Lẽ ra, họ phải được tuyên bố là không phạm tội “cố ý làm trái..” vì người ta không chứng minh được họ “biết quy định” mà vụ lợi nên đã làm trái quy định, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chính cơ quan điều tra đã khẳng định trong Kết luận bổ sung rằng, họ không làm đúng trách nhiệm được giao, sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Họ không phạm tội như bị khởi tố.
|
Ls Nguyễn Văn Tú |
Cơ quan điều tra đã áp dụng khoản 1, Điều 25 Bộ Luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự giống như cách “giải quyết hậu quả” của nhiều vụ án oan khác. Theo ông, việc áp dụng quy định này trong vụ án này có đúng không?
Không khác gì các vụ án như Vũ Đắc Lý, Nguyễn Văn Lượng và nhiều vụ án khác, điều luật này lại bị lạm dụng. Theo điều luật này, khi có sự chuyển biến về chính sách xử lý hình sự hoặc tình hình thực tiễn của xã hội mà hành vi phạm tội trở nên vô hại đối với xã hội thì không truy cứu nữa mà miễn (tha tội) cho người thực hiện hành vi phạm tội.
Rõ ràng, tình huống của 3 nhân viên BVSC không phải vậy. Không có sự “chuyển biến tình hình” nào cả mà thực tế họ không phạm tội. Do không buộc tội được, nhưng không dám chịu trách nhiệm nên áp dụng quy định về miễn tội. Các cơ quan tố tụng đã quen làm vì ít khi họ bị xử lý. Tôi được biết, gần đây chỉ có vụ án của bà Phùng Thị Thu ở Thái Bình là áp dụng không thành công cách thức trái pháp luật này.
Xin cảm ơn ông!