Vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu…” tại Công ty Việt Á: Hành vi nhận tiền “hoa hồng” có cấu thành tội mới?

(PLVN) -  Liên quan đến lời khai về vệc Giám đốc Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh Hải Dương nhận tiền “hoa hồng” của Công ty CP Công nghệ Việt Á, chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi này có dấu hiệu của 1 tội danh mới, ngoài tội danh vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” như đã khởi tố.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan đến việc mua sắm kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng; Phan Quốc Việt (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á) đã chi gần 30 tỷ đồng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương; câu kết với lãnh đạo các đơn vị hợp thức hồ sơ chỉ định thầu và đẩy giá kit cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trịnh Thúy Hiền, Giám đốc Công ty Luật Apra cho biết, theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 (Luật ĐT): “Chỉ định thầu được áp dụng đối với các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;…”. Vì vậy, bộ xét nghiệm Covid-19 đã được Bộ Y tế đưa vào danh mục hàng hóa áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 38 Luật ĐT quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, CDC các tỉnh, bệnh viện, trung tâm y tế… tự xác định và giao cho đơn vị nhà thầu đủ năng lực cung cấp thiết bị, sau đó thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hoạt động chỉ định thầu “rút gọn” đã trở thành công cụ để các đối tượng lợi dụng trục lợi.

Luật sư Trịnh Thúy Hiền, Giám đốc Công ty Luật Apra.

Theo Luật sư Huyền, trường hợp xác định có hành vi thông đồng giữa lãnh đạo Công ty Việt Á và lãnh đạo CDC Hải Dương trong hoạt động chỉ định thầu rút gọn cung cấp bộ kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt cùng các đối tượng liên quan đã vi phạm khoản 1, 2, 3, 4 Điều 89 Luật ĐT (quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu: “Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu và gian lận”). Vi phạm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt giữa bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng trên cả nước.

Theo khởi tố ban đầu, các bị can đã có hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 222 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù và bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mức án cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có mức độ thiệt hại của Nhà nước trong vụ án này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu lời khai về việc đưa và nhận hơn 30 tỷ đồng giữa lãnh đạo Công ty Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương là có thật thì cần xác định xem Phạm Duy Tuyến có lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thỏa thuận nhận tiền hoa hồng, tiếp tay cho Phan Quốc Việt nâng khống giá trị kit xét nghiệm, rút ngân sách nhà nước hay không. Nếu có điều này này thì hành vi của các bị can đã có dấu hiệu tội “Nhận hối lộ” và tội “Đưa hối lộ” theo Điều 354 và Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo ý kiến của một số luật sư khác, nếu bị can Phạm Duy Tuyến có hành vi chủ động “gửi giá”, tức chủ động yêu cầu Công ty Việt Á nâng giá bán kit để chuyển lại tiền chênh lệch cho mình mới ký hợp đồng thì vụ việc còn có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.

Luật sư Huyền cho biết, trong trường hợp khởi tố thêm vụ án, thêm tội danh khác ngoài tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” mà CQĐT không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm thì có thể tách vụ án nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Đọc thêm