Những bụi chè vằng phủ kín vườn, san sát trải dài làm chúng tôi có cảm giác như đang ở miền đất thiêng Quảng Trị – thủ phủ của thứ “chè trời” này - chứ không phải giữa lòng thành phố Vinh.
Tiếp khách bằng ấm chè vằng thơm phức, Đại úy Nguyễn Văn Khanh - Bí thư Liên chi đoàn 14 - cho biết: “Những năm trước, các hoạt động phong trào của đơn vị gặp khó khăn về kinh phí, phần nào “trói chân” những ý tưởng sáng tạo của cán bộ đoàn viên. Vườn chè vằng này là tâm huyết của cán bộ đoàn viên dày công trồng và chăm sóc trên đất pha cát, mang lại nguồn thu đáng kể cho các hoạt động phong trào đoàn”.
Tham gia diễn tập ở vùng đồi núi Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An), khi trú quân dã ngoại, đào đắp công sự, đoàn viên phát hiện nhiều bụi chè vằng mọc rải rác khắp nơi. Tác dụng đối với sức khỏe cũng như hiệu quả kinh tế của chè vằng, Ban Chấp hành Liên chi đoàn đề xuất với đơn vị cho tận dụng diện tích 200m2 đất tăng gia để đưa về trồng thử nghiệm.
|
Chung tay cùng cán bộ đoàn viên, không ai bảo ai, nhiều người ở quê có chè vằng mỗi khi nghỉ phép, nghỉ tranh thủ, hoặc đi diễn tập, dã ngoại đều “tiếp sức” cho Đoàn những khóm chè xanh tốt. Không phụ lòng người, sau một thời gian kỳ công chăm sóc vườn chè vằng đã cho “quả ngọt”.
Không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho đơn vị, tiếp khách, thời điểm phát triển mạnh, chè được cung cấp cho các cơ sở chế biến nước uống, dược liệu; ngoài ra, chè được cắt khúc ngắn, phơi khô, đóng thành gói làm quà tặng cho các đơn vị kết nghĩa, người nhà, bạn bè đến thăm đơn vị…
Trung tá Nguyễn Viết Quân - Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 283 - cho biết: “Chúng tôi luôn hướng đoàn viên đến những phần việc cụ thể, thiết thực, dễ thực hiện, gần gũi với đời sống bộ đội để những việc làm đó “ngấm” vào suy nghĩ, hành động tự giác của từng người. Cùng với “Vườn chè vằng đoàn viên”, các mô hình khác như “Vườn rau rừng huấn luyện”, “Vườn riềng đoàn viên” có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và giúp cán bộ, đoàn viên “tự chủ” được phần lớn kinh phí cho các hoạt động trong điều kiện khó khăn chung của đơn vị”.