Vướng mắc trong xếp hạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với quy định hiện hành, khi các ngân hàng đạt điểm 4.49 sẽ được xếp hạng tương tự ngân hàng đạt điểm 3.5. Dải điểm trong một hạng khá lớn khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng.
Các ngân hàng muốn chia nhỏ mức xếp hạng, thu hẹp khoảng cách điểm số. Ảnh minh họa
Các ngân hàng muốn chia nhỏ mức xếp hạng, thu hẹp khoảng cách điểm số. Ảnh minh họa

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ngày 31/12/2018, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 52/2018/TT-NHNN (Thông tư 52) quy định xếp hạng tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Thông tư 52 là văn bản pháp lý rất quan trọng liên quan đến xếp hạng các TCTD và sau hơn 2 năm thực hiện, NHNN đang đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung.

“Qua nghiên cứu và lấy ý kiến các hội viên, chúng tôi nhận thấy Thông tư 52 có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến việc đánh giá xếp hạng các TCTD, cách xác định các hệ số, tỷ số, ngưỡng an toàn, chất lượng tài sản… để từ đó trong xếp hạng, chấm điểm phù hợp đối với các nhóm ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...” - ông Hùng chia sẻ.

Theo tổng hợp của CLB Pháp chế (thuộc VNBA), có 16 khó khăn, vướng mắc các TCTD gặp phải khi triển khai Thông tư 52 cần được xem xét sửa đổi, bổ sung tại Thông tư mới. Đó là: Phương pháp xếp hạng; Phân nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) để xếp hạng; Nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu (Điều 3); Tiêu chí về vốn (Điều 7); Tiêu chí về chất lượng tài sản (Điều 8); Quản trị điều hành (Điều 9); Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh (Điều 10); Tiêu chí khả năng thanh khoản (Điều 11); Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (Điều 12); Ngưỡng tính điểm từng chỉ tiêu định lượng (Điều 14); Cách tính điểm nhóm chỉ tiêu định tính (Điều 16); Quy định cách tính điểm xếp hạng (Điều 19); Quy định về xếp hạng (Điều 20); Thông báo kết quả xếp hạng (Điều 22); Thời hạn và phương thức báo cáo kết quả tự chấm điểm xếp hạng của TCTD; các nội dung chấm điểm.

Đề xuất thu hẹp các mức xếp hạng

Liên quan đến quy định xếp hạng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 52 hầu như vẫn được giữ nguyên. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế VNBA cho rằng, trong thời gian qua, kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như Moody’s, Fitch Ratings, Standard&Poor’s) đối với các NHTM Việt Nam rất sát với thực tế.

Vì vậy, ông Long đề nghị NHNN xem xét xây dựng quy định xếp hạng các NHTM Việt Nam như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo hướng xem xét chia nhỏ xếp hạng trong các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2,… để đảm bảo ghi nhận việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất.

“Việc chia các mức xếp hạng chỉ gồm A, B, C, D, E như hiện tại đang quá rộng. Dải điểm trong một hạng cũng khá lớn khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng khi các ngân hàng đạt điểm 4.49 được xếp hạng tương tự ngân hàng đạt điểm 3.5…” - ông Long phản ánh.

Theo đại diện Techcombank cho rằng, dự thảo vẫn quy định 5 mức xếp hạng là quá rộng, nên điều chỉnh thành 9 mức xếp hạng và điểm xếp hạng được chấm điểm trên thang điểm 10 để ngân hàng có cơ hội cải thiện khi so sánh với các ngân hàng bạn và so sánh với chính mình qua các thời kỳ…

Cũng theo quy định tại Thông tư 52, các NHTM được phân thành 2 nhóm để xếp hạng: Nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ VND và nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản từ 100 nghìn tỷ VND trở xuống.

Tuy nhiên, theo VNBA, trong hệ thống TCTD hiện nay, quy mô tổng tài sản của các NHTM không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ, các NHTM chênh lệch lớn về quy mô tổng tài sản từ 200-300 nghìn tỷ VND, cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh rất khác nhau; đặc biệt là đối với các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ VND trở lên (là những NHTM có tầm quan trọng lớn, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế). Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn.

Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng TCTD và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, VNBA đề nghị Ban soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn, trong đó các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 01 triệu tỷ VND trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp...

Theo đại diện BIDV, Dự thảo Thông tư sửa đổi vẫn phân các TCTD thành 2 nhóm như hiện hành là bất cập. Dẫn chứng ngân hàng của mình, đại diện BIDV cho biết, BIDV hiện có tổng trên 1,5 triệu tỷ VND, có nhiều đặc thù trong hoạt động do là ngân hàng có vốn nhà nước. BIDV luôn tiên phong trong thực thi các chính sách của Chính phủ.

Do vậy, đại diện BIDV đề nghị dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 52 cần quy định thông thoáng, thực tế, thực tiễn hơn để các ngân hàng có vốn nhà nước không bị mất lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình thực thi.

Trong khi đó, đại diện Agribank đề nghị xem xét phân nhóm các ngân hàng với nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ chênh nhau khoảng 200 – 300 nghìn tỷ đồng, nhằm đảm bảo sự công bằng và đánh giá thực tế hơn.

Đọc thêm