“Vương quốc” đá quý cạn kiệt, “bão” chưa tan

Nổi tiếng từ những năm 1980 với tên gọi “Vương quốc đá quý”, Lục Yên (Yên Bái) là nơi được rất nhiều người tìm đến với hy vọng đổi đời. Hơn 30 năm đã trôi qua, nhìn bề ngoài thì “cơn bão” đá quý đã dịu xuống nhưng thực chất nó vẫn âm ỉ tiếp diễn với mức độ có phần kinh hoàng hơn trước rất nhiều...
Nổi tiếng từ những năm 1980 với tên gọi “Vương quốc đá quý”, Lục Yên (Yên Bái) là nơi được rất nhiều người tìm đến với hy vọng đổi đời. Hơn 30 năm đã trôi qua, nhìn bề ngoài thì “cơn bão” đá quý đã dịu xuống nhưng thực chất nó vẫn âm ỉ tiếp diễn với mức độ có phần kinh hoàng hơn trước rất nhiều...

Đá lớn hết, tìm đá nhỏ

Vào thời kì hoàng kim đó, tại huyện Lục Yên luôn có hàng ngàn phu đá đổ về tìm kiếm những viên đá xanh, đỏ (đá ruby, sapphire) óng ánh với hy vọng đổi đời. Khi đó, có thể nói rằng ở Lục Yên đá quý nhiều vô kể, có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu nhưng chẳng ai thèm nhặt. Lúc bấy giờ, viên đá khiến người săn đá quan tâm phải có kích thước lớn, vân đá đẹp hay giá trị nhất thì phải có sao ẩn bên trong (viên đá có vân hình ngôi sao). Một viên đá quý hiếm như vậy khi đó chỉ có thể bán được vài chục triệu đồng.

Thế nhưng, thời kì đó đã qua rồi, chỉ sau vài năm “quét” qua Lục Yên, “cơn bão đá đỏ” đã mang đi gần như tất cả những tài nguyên đã làm nên danh xưng “Vương quốc đá quý”. Đá hết, nhiều phu đào đá cũng bỏ nghề hay chuyển đến vùng đất khác. Nhưng trên thực tế, không ít người vẫn tiếp tục “khát vọng đổi đời” của mình ở nơi đây.

Xã An Phú - vựa đá của huyện Lục Yên một thời - cũng đã khác xưa rất nhiều. Đá đỏ không còn nhưng không ít người dân ở đây vẫn không bỏ “nghiệp” khai thác đá bằng cách chuyển sang tận thu các loại đá khác ít giá trị hơn. Đá quý ngày càng hiếm, có lẽ vì thế mà ngày nay việc khai thác đá đã không còn theo kiểu thủ công bằng cuốc xẻng như trước, thay vào đó là máy móc hiện đại. Có những công cụ này, phu đá hy vọng khai thác hết tất cả những gì có thể.

Bất cứ chỗ nào suốt dọc con đường vào An Phú cũng có cuốc, xẻng và dụng cụ sàng đất. Những hào, hố lớn xuất hiện ở khắp mọi nơi: Trong ruộng lúa, bên bờ suối hay lưng chừng đồi. Anh bạn dẫn đường tên Triệu Thượng vừa lái xe vừa chỉ cho tôi những bãi đá còn nhấp nhô người làm: “Đó là bãi đá đấy, nhưng vì đang là mùa gặt nên không có ai làm thôi. Các bãi đá này chủ yếu là của người dân đào để lấy “mắt tôm” chứ ở đây thì không có đá đỏ đâu”.

Tôi thấy hiếu kì vì tên gọi “mắt tôm” lạ lùng, anh bảo: “Ngày xưa đá nhiều thì chẳng ai để ý đến chúng, “mắt tôm” là tên gọi của những mảnh đá quý nhỏ, chúng chỉ to hơn đầu tăm thôi. Dân ở đây đào đất rồi sàng kĩ qua nước để lấy cả những hạt nhỏ li ti như đãi vàng. Sau đó chúng được gom lại và bán theo từng cân (kg). Các cửa hàng tranh đá quý cần loại này để nghiền ra lấy nguyên liệu làm tranh. Tính giá trị thì chúng cũng chẳng được bao nhiêu”.
Những lán trại tạm bợ làm chỗ ở cho gần 30 phu đá tại bãi Cổng Trời.
Những lán trại tạm bợ làm chỗ ở cho gần 30 phu đá tại bãi Cổng Trời.
Thời hoàng kim ở “Vương quốc đá đỏ” đã qua rồi, 20 năm trước đá to bằng ngón tay, đỏ long lanh nhưng cũng chẳng ai thèm nhặt. Vậy mà, giờ đây những hạt đá bé bằng đầu tăm cũng được ráo riết săn tìm.
Đi qua bãi đá “mắt tôm”, Thượng nói với tôi, giọng không giấu nỗi buồn: “Thế đấy anh ạ, đá ít người nhiều. Bây giờ không chỉ mắt tôm mà những khối đá hộc, vô giá trị cũng được người ta đào lên, mang đi mài nhẵn bóng. Hòn làm đá cảnh, hòn làm non bộ, phong thủy. Chỉ vài năm nữa thôi, hết đá thì chẳng biết bọn em lấy gì mà ăn”.

Thăng, trầm cùng đá “thổ phỉ”

Khai thác “mắt tôm” thường là do những người dân làm theo kiểu tự phát, còn về độ “kinh hoàng” thì phải kể đến những phu đá chuyên nghiệp. Những phu đá này đầu tư máy móc hiện đại và lên các bãi đá lớn để săn lùng đá đỏ, dù để đến được các bãi đá này phải leo qua các dãy núi lớn, đi mất cả ngày đường mới tới nơi. Theo đó, các bãi đá khó tiếp cận này chính là nguồn cung cấp hàng chủ yếu cho các lái buôn đá tại Lục Yên.

Đá quý không còn dễ tìm như trước nên phu đá phải di chuyển đến các bãi mới trên núi cao. Ngoài các bãi đá: Cổng Trời 1, Cổng Trời 2, bãi Mây... thì mới đây dân phu đá kháo nhau có một bãi đá mới được tìm thấy sau dãy núi Bạch Ngọc. Tuy nhiên, để đến được bãi này, nếu quen đường cũng phải mất nửa ngày, còn người không biết thì đừng mong đến được.

Tìm đến chân bãi đá Cổng Trời 1 (xã Minh Tiến, Lục Yên ), tôi gặp chú Hà (Km số 4, TP.Yên Bái ) đang chuẩn bị lên bãi để mua “đá gốc”. Nghe tôi giới thiệu mình là khách du lịch muốn đi tham quan, chú dẫn tôi đi cùng và không quên dặn: “Bây giờ là buổi trưa, phu đá nghỉ làm nên lên được, nếu là buổi chiều đi không cẩn thận là bị đá rơi vào người ngay. Bây giờ lên thì cũng phải vừa đi vừa hô to cho người phía trên biết, đường đi không khó lắm nhưng người lạ không cẩn thận thì chỉ có lạc trong rừng”.

Sau gần 40 phút leo dốc núi thẳng đứng là đến được bãi đá Cổng Trời 1, cả quả núi có 3, 4 bãi đá nằm ở độ cao khác nhau. Từ bãi Cổng Trời 1 lên tới đỉnh còn 2 bãi đá khác, nhưng để lên đó thì chỉ có cách đi đường rừng, những người lạ chỉ có thể đi đến đây rồi dừng lại. Bãi nằm giữa hai ngọn núi cao, trên hai sườn núi là bạt ngàn đá trắng ngổn ngang. Bốn lán trại khá sơ sài để che mưa nắng, là nơi ăn nghỉ và sinh hoạt của gần ba mươi phu đá, hầu hết còn khá trẻ. Điểm chung giữa họ là thân mình đen nhẻm vì nắng gió và các vết xây sát chằng chịt vì bị mảnh đá bắn vào.

Thấy có người mới đến, nhóm phu đá liền gọi tôi vào và hỏi với thái độ đề phòng: “Chú mày ở đâu mà đến đây thế? Lên trên này có việc gì? Trên này toàn đá thôi có gì mà du lịch?...”. Nếu chú Hà không chạy lại giới thiệu: “Đây là thằng em tao dưới Yên Bái lên chơi cùng” thì có lẽ tôi đã bị tống cổ xuống núi. Lúc sau chỉ còn hai người, chú Hà nói với tôi: “Phu đá trên này tìm đá “chui”, không theo sự quản lý của công ty nào cả nên rất đề phòng với người lạ”.

Chí Dũng (còn nữa)

Đọc thêm