Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm giám sát

(PLVN) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Giám sát trên cả 5 lĩnh vực giao thông

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, nội dung giám sát tập trung vào việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT và các hoạt động liên quan đến bảo đảm TTATGT.

Trọng tâm là các quy định về bảo đảm TTATGT, các chính sách đầu tư cho giao thông, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; rà soát các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, trọng tâm là các văn bản dưới Luật của Chính phủ và các bộ ngành; những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Giám sát cũng làm rõ thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân về bảo đảm TTATGT; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tình hình vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo đảm TTATGT; công tác phối hợp giữa các Bộ, địa phương trong bảo đảm TTATGT; hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm TTATGT; nguồn lực ngân sách bảo đảm TTATGT; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.

Đồng thời xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, dự kiến Đoàn Giám sát sẽ làm việc với Chính phủ và 10 bộ gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó, trọng điểm là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Đoàn giám sát tổ chức 3 Đoàn công tác đến giám sát trực tiếp tại một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương gồm TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ.

Ngoài ra, Đoàn Giám sát sẽ khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

Cân nhắc tiến độ triển khai hoạt động giám sát

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ.

Một số ý kiến đề nghị, khi giám sát tại địa phương nên lựa chọn giám sát có tính đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm như địa phương trọng điểm về TTATGT, hoặc giám sát trọng tâm theo từng lĩnh vực như giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, giao thông đường sắt…; qua giám sát đề xuất sớm sửa đổi các luật liên quan.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường nêu rõ đây là chuyên đề giám sát quan trọng về TTATGT đang được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội.

Theo ông Bùi Văn Cường, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình QH thông qua 9 luật và 1 nghị quyết trong đó có Luật Đường bộ; Luật TTATGT đường bộ. Do vậy, cần cân nhắc xây dựng tiến độ triển khai các hoạt động giám sát trong kế hoạch chi tiết để phù hợp. Một số mốc thời gian đẩy sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để kết quả giám sát bước đầu có thể góp phần vào quá trình hoàn thiện, thông qua 2 dự án Luật này.

Ông Bùi Văn Cường cũng đề nghị phân công đại biểu tham gia đoàn công tác cân nhắc hợp lý, đảm bảo cân đối, hiệu quả, phát huy sự tích cực của các thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, trong điều kiện thời gian có hạn và trong bối cảnh trong Kỳ họp thứ 6 tới, dự án Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ sẽ trình QH thì đề cương giám sát nên điều chỉnh theo hướng thay vì triển khai đồng loạt giám sát đối với cả 5 lĩnh vực giao thông thì tập trung triển khai giám sát sớm hơn và theo hình thức cuốn chiếu đối với lĩnh vực giao thông đường bộ trong thời gian từ nay đến hết tháng 4/2024.

"Nếu làm được như vậy thì những dữ liệu từ cuộc giám sát sẽ phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng 2 dự án luật trong thời gian sắp tới. Việc đẩy nội dung này lên sớm cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch giám sát vì đối tượng giám sát là khác nhau giữa các lĩnh vực giao thông; còn các lĩnh vực giao thông khác như đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường hàng hải sẽ triển khai sau và toàn bộ báo cáo giám sát sẽ được hoàn thiện vào tháng 9/2024", bà Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, làm theo phương thức này sẽ đảm bảo kết quả giám sát vừa kịp thời phục vụ mục tiêu trước mắt là xây dựng 2 dự án luật, vừa phục vụ mục tiêu lâu dài là đưa ra bức tranh tổng thể, đảm bảo an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực, từ đó Đảng, Chính phủ, QH đề ra phương hướng, chiến lược dài hơn, đảm bảo an toàn, trật tự giao thông trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đồng tình ý kiến cần thu hẹp phạm vi đối tượng giám sát, tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm. Bởi, công tác bảo đảm TTATGT liên quan đến đường bộ nhiều nhất, nhiều bất cập cần được làm rõ, nhất là trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Vấn đề khác, Thứ trưởng Lê Đình Thọ góp ý, nên thu hẹp đối tượng giám sát, tập trung vào một số đối tượng liên quan trực tiếp đến công tác này, còn những bộ ngành liên quan ít cũng phải có báo cáo và Đoàn Giám sát sẽ làm việc thêm (nếu cần thiết).

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị cố gắng rút ngắn tiến độ triển khai giám sát, cố gắng có báo cáo giám sát bước đầu gửi các đại biểu QH.

Đọc thêm